Các chuyên gia đã thu mẫu nước biển từ 10 điểm khác nhau trong phạm vi bán kính 3km tính từ Nhà máy Fukushima số 1, chỉ vài giờ sau khi quá trình xả thải được thực hiện hôm 24/8.
Các bể chứa nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 ở Fukushima, Nhật Bản, ngày 22/8. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Ngày 25/8, Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO) khẳng định không phát hiện tritium trong các mẫu nước biển thu được từ khu vực xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1.
Theo TEPCO, các chuyên gia đã thu mẫu nước biển từ 10 điểm khác nhau trong phạm vi bán kính 3km tính từ Nhà máy Fukushima số 1, chỉ vài giờ sau khi quá trình xả thải được thực hiện hôm 24/8.
Sau khi phân tích kỹ các mẫu nước biển, nhóm chuyên gia kết luận không phát hiện tritium trong đó. TEPCO cho biết sẽ duy trì việc lấy mẫu và phân tích nước biển hằng ngày trong vòng 1 tháng, đồng thời đảm bảo công khai minh bạch các kết quả phân tích.
Cùng ngày, Bộ Môi trường Nhật Bản cũng đã triển khai 4 con tàu tới 11 địa điểm trong phạm vi bán kính 50 km từ nhà máy Fukushima số 1 để lấy mẫu nước biển phân tích, dự kiến công bố kết quả sớm nhất vào ngày 27/8 tới.
Bộ trên cũng sẽ tiếp tục giám sát việc xả thải và công bố kết quả phân tích mẫu nước biển hằng tuần trong 3 tháng tới.
Nhà chức trách Nhật Bản và TEPCO đang giám sát nồng độ tritium trong nước biển tại hơn 100 điểm ngoài khơi các tỉnh Fukushima, Miyagi và Ibaraki.
Trước đó một ngày, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết nồng độ tritium trong nước thải được xả ra Thái Bình Dương từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật Bản thấp hơn nhiều so với giới hạn cho phép.
TEPCO đã lọc nước ở Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 thông qua Hệ thống Xử lý Chất lỏng Tiên tiến (ALPS), giúp giảm hầu hết các chất phóng xạ đạt đến tiêu chuẩn an toàn có thể chấp nhận được, ngoại trừ tritium và carbon-14.
Tritium và carbon-14 lần lượt là các dạng phóng xạ của hydro, carbon và rất khó tách khỏi nước. Do đó, nước được lọc sẽ trải qua một quá trình xử lý khác, sau đó được pha loãng với nước biển để giảm nồng độ của các chất còn lại trước khi thải ra đại dương.
Chính phủ Nhật Bản cho biết mức tritium cuối cùng an toàn hơn nhiều so với mức mà các cơ quan quản lý yêu cầu đối với việc xả chất thải hạt nhân hoặc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo đối với nước uống.
Tháng 3/2011, Nhật Bản hứng chịu thảm họa động đất và sóng thần, ảnh hưởng tới Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1. TEPCO, đơn vị vận hành nhà máy, phải xử lý hàng trăm bể chứa hơn 1 triệu tấn nước ô nhiễm dùng để làm mát lò phản ứng.
Năm 2021, giới chức Nhật Bản bắt đầu lên kế hoạch xả dần nước thải đã qua xử lý ra biển. Các chuyên gia cho biết lượng tritium trong môi trường sẽ cực nhỏ do hòa lẫn với nước biển./.