Quy hoạch chồng quy hoạch
Nghĩa Phú được xem là phường điển hình của TP. Gia Nghĩa khi có tới hơn 90% diện tích đất đang nằm trong các dự án, đồ án quy hoạch treo.
Ông Nguyễn Quang Sơn, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Phú thông tin, từ năm 2018, trên địa bàn đã được phê duyệt nhiều đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
Đó là: Quy hoạch phân khu đô thị tổ dân phố (TDP) 1, 2, 3, 4, 5; Quy hoạch chi tiết chỉnh trang đô thị khu dân cư số tổ 6; Quy hoạch phân khu đô thị dọc theo đường tránh đô thị Gia Nghĩa khu số 1 đoạn từ phường Quảng Thành – cầu Đắk R’tíh. Phần diện tích đất ở còn lại đang nằm trong Quy hoạch chung đô thị (Quy hoạch 1292).
Đến năm 2021, trên địa bàn phường lại tiếp tục được triển khai Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị sinh thái hồ Đắk R’tíh (Quy hoạch 387), với tổng diện tích 1.715,4 ha.
Đồ án quy hoạch này bao gồm một phần xã Đắk R’moan, phường Quảng Thành và phường Nghĩa Phú. Trong đó, phần lớn diện tích đất của phường Nghĩa Phú đều nằm trong quy hoạch Khu đô thị sinh thái hồ Đắk R’tíh.
Năm 2022, UBND phường Nghĩa Phú đã rà soát các khu vực thuộc quy hoạch đất ở chỉnh trang đô thị (theo Quy hoạch 387).
Các khu vực tại TDP 1, 2, 3, 4, 5 đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2022, 2023, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đến nay đã giải quyết một phần nhu cầu chuyển đổi đất ở cho Nhân dân.
Riêng các tổ dân phố 6, 7 và một nửa tổ dân phố 8 hiện nay theo quy hoạch không có đất ở chỉnh trang đô thị. Khu vực này cũng đang nằm trong ranh của rất nhiều dự án kêu gọi đầu tư khác.
Cụ thể như: dự án 1 Khu đô thị lửa và nước Đắk R’tíh, với diện tích 752,5ha; dự án 6 Khu đô thị thung lũng xanh Nghĩa Phú, với diện tích 47,8ha; dự án 7 Khu đô thị cửa ngõ Nghĩa Phú có diện tích 42,27ha; dự án 8 Khu đô thị phía Nam hồ Đắk R’tíh có diện tích 44,8ha.
Thực tế cho thấy, phần lớn diện tích đất của phường đang nằm ngổn ngang trong các quy hoạch. Tình trạng quy hoạch chồng quy hoạch, quy hoạch không sát với thực tế đang gây ra các khó khăn cho việc triển khai các dự án.
Chính quyền địa phương lúng túng trong việc quản lý và thực hiện quy hoạch. Nhiều vấn đề về đất đai, nhất là đất ở đang gây bức xúc trong người dân hiện nay.
Các hộ dân khi làm thủ tục chuyển đổi đất ở đã bị tạm dừng. Các hộ có đất ở, chỉ được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn. Một số quyền sử dụng đất của Nhân dân bị hạn chế.
Các hộ gia đình có đất dọc theo quốc lộ 14 (đường Nguyễn Tất Thành) có lợi thế về buôn bán, kinh doanh và các khu vực dân cư ở ổn định từ lâu như khu vực Sùng Đức của tổ dân phố 6, 7.
“Việc này đã gây tâm lý bức xúc, hoang mang, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý đất đai, xây dựng, giải quyết thủ tục hành chính cho Nhân dân trên địa bàn phường thời gian qua”, ông Sơn chia sẻ.
Lực cản phát triển
Chủ tịch UBND phường Nghĩa Phú Nguyễn Quang Sơn cho hay, vấn đề các dự án, đồ án quy hoạch treo kéo dài nhiều năm đang gây cản trở tới sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Nội dung này được địa phương báo cáo bằng văn bản và tại các cuộc họp rất nhiều lần, nhưng vẫn chưa có kết quả.
Vấn đề lớn nhất ở đây là mặc dù chiếm giữ nhiều vị trí đắc địa để phát triển thương mại, dịch vụ, nhưng đến nay, hoạt động phát triển kinh tế của phường rất trầm lắng.
Đơn cử như, tại khu vực Sùng Đức đang có hơn 10km mặt tiền nhưng chỉ có được một cái chợ. Vướng quy hoạch nên nhiều vị trí đẹp phải bỏ hoang. Một số khu vực khác lại khá lộn xộn, nhếch nhác, tạm bợ, chưa tương xứng với bộ mặt của đô thị.
Mong muốn hiện nay của địa phương là sớm tháo gỡ sự chồng chéo trong quy hoạch. Từ đó, tạo điều kiện cho người dân tại chỗ phát triển, nhất là trong việc đăng ký quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng. Những khu nào ổn định dân cư rồi thì quy hoạch sớm để người dân yên tâm đầu tư.
Theo ông Sơn, các doanh nghiệp tại địa phương chủ yếu là hộ kinh doanh. Việc tháo gỡ sẽ tạo điều kiện cho họ xây dựng văn phòng, cơ sở sản xuất.
Trong quá trình phát triển sẽ thu thuế đất, thuế kinh doanh… Đó là nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Một khi người dân phát triển kinh tế, bộ mặt đô thị sẽ khang trang lên.
“Đồng ý quy hoạch là rất tốt, nhưng phải có nhà đầu tư. Còn nếu quy hoạch kéo dài mãi, năm này qua năm khác, rồi vài năm có sự thay đổi không có tính kế thừa, xáo trộn sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh”, ông Sơn phân trần.
Phường Nghĩa Trung cũng đang rơi vào tình cảnh chung đó. Trên địa bàn hiện có nhiều dự án quy hoạch, nhưng chưa triển khai. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng rất lớn đến người dân, mà cả trong công tác quản lý Nhà nước của địa phương.
Vì sợ quy hoạch, nên người dân không dám mạnh dạn đầu tư những dự án sản xuất. Từ đây, dẫn đến diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn phường bị bỏ hoang lớn, gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Theo ông Trần Thanh Luyện, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Trung, không những gây ảnh hưởng tới người dân mà quy hoạch treo còn tạo nhiều thách thức cho chính quyền trong quản lý đất đai, trật tự đô thị, xây dựng. Muốn chuyển đổi mục đích nhưng đất thuộc dự án quy hoạch, nên người dân không thực hiện được.
“Tình trạng xây dựng công trình chui, vượt quá diện tích đất được cấp phép xảy ra nhiều. Điều này gây không ít trở ngại cho địa phương trong công tác quản lý”, ông Luyện cho hay.
Đắk Nông hiện có khoảng 29 dự án chậm tiến độ, 1 dự án đề nghị dừng thực hiện; 2 dự án nguy cơ chậm tiến độ; 1 dự án chưa triển khai thực hiện; 3 dự án đề nghị điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 và 5 đồ án quy hoạch chi tiết còn bất cập.
Nguồn: https://baodaknong.vn/luc-can-tu-nhung-du-an-tre-hen-o-dak-nong-226122.html