Theo một báo cáo gần đây từ CreditCards.com, cứ 5 người Mỹ có 1 người đang mua nhiều hàng hóa hơn bình thường khi nỗi sợ giá cả tăng cao đang thúc đẩy làn sóng mua và tích trữ hàng hóa do lo ngại về thuế quan của Tổng thống Donald Trump. Niềm tin của người tiêu dùng đang bị thử thách, và các doanh nghiệp có thể phải đối mặt với những thách thức trong việc điều hướng một thị trường nơi chi phí đang
Theo báo cáo, 19% số người được hỏi cho biết họ đang mua nhiều hơn đáng kể (5%) hoặc nhiều hơn một chút (14%) so với bình thường. Trong nhóm này, 29% nói rằng nỗi sợ thuế quan của ông Trump ảnh hưởng lớn đến mong muốn mua thêm của họ, trong khi 37% nói rằng nó có một số tác động.
Khi được hỏi về ảnh hưởng của thuế quan, 22% số người được hỏi cho biết thuế quan mà ông Trump dự kiến áp dụng đã ảnh hưởng đến thói quen chi tiêu của họ và 30% phản hồi có một số ảnh hưởng. Trong khi 22% cho biết ảnh hưởng là rất nhỏ, 26% cảm thấy thuế quan không ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ.
Kể từ tháng 11/2024, 22% người Mỹ đã bắt đầu tích trữ hàng hóa và 20% có kế hoạch làm như vậy trong thời gian tới. Khoảng 52% không có ý định tích trữ, trong khi 5% không chắc chắn.
Các mặt hàng phổ biến nhất đang được tích trữ là thực phẩm không dễ hỏng (76%) và giấy vệ sinh (72%). Gần 49% đã mua vật tư y tế và 44% đã mua thuốc không kê đơn. Tỷ lệ nhỏ hơn đang tích trữ máy lọc nước (21%), đồ gia dụng (23%), sản phẩm chăm sóc cá nhân (25%), thậm chí cả súng và đạn dược (15%).
Ngoài ra, 28% người Mỹ đã thực hiện các giao dịch mua lớn trên 500 USD gần đây, với 21% có kế hoạch thực hiện các giao dịch mua tương tự trong thời gian tới. Các mặt hàng phổ biến nhất bao gồm đồ điện tử (39%), đồ gia dụng (31%) và vật tư cải tạo nhà (25%). Đồ nội thất (22%) và ôtô (17%) cũng là những mặt hàng được mua phổ biến.
Thuế quan thường có xu hướng làm tăng lạm phát vì chúng khiến chi phí nhập khẩu tăng cao. Khi đó các doanh nghiệp buộc phải chịu khoản chi phí gia tăng hoặc chuyển chi phí này sang người tiêu dùng thông qua việc tăng giá bán lẻ. Điều này có thể tạo ra áp lực lạm phát lớn hơn khi chi phí sản xuất tăng lên trong các ngành công nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu và linh kiện từ nước ngoài.
Đối với nhiều người tiêu dùng Mỹ, nỗi lo giá cả hàng hóa ngày càng cao khiến họ tranh thủ mua sắm tích trữ ngay từ bây giờ, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm không dễ hỏng, giấy vệ sinh và vật tư y tế.
Đáng chú ý có đến 20% người Mỹ mô tả những lần mua sắm gần đây của họ là “chi tiêu tận thế” (doom spending). “Chi tiêu tận thế” là thuật ngữ mô tả hành vi mua sắm quá mức hoặc thiếu cân nhắc do lo lắng về tương lai. Tâm lý này thường xuất hiện trong bối cảnh bất ổn kinh tế, căng thẳng địa chính trị hoặc lo ngại về tình hình tài chính cá nhân.
Giới đầu tư tại Phố Wall (bang New York, Mỹ) cũng lo lắng về ảnh hưởng tiêu cực của thuế quan đối với nền kinh tế Mỹ khi có khả năng càng làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát.
Điều này có thể khiến Cục Dự trữ liên bang (Fed) gặp khó khăn trong việc cắt giảm lãi suất, cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng sẽ bị kìm hãm. Sự bất ổn về chính sách thương mại cũng có thể làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, dẫn đến việc chi tiêu dè dặt hơn trong tương lai.
Không chỉ người tiêu dùng, các doanh nghiệp cũng đang phải vật lộn với những thách thức do môi trường thương mại đầy biến động.
Nhiều giám đốc điều hành cho biết sự thay đổi thất thường trong kế hoạch thuế quan của ông Trump có thể làm đảo lộn thương mại toàn cầu, buộc một số công ty phải xem xét việc chuyển sản xuất về Mỹ để giảm thiểu rủi ro.
Nguồn: https://baodaknong.vn/lo-ngai-chinh-sach-thue-moi-cua-ong-trump-nguoi-dan-my-mua-tich-tru-hang-hoa-243392.html