Năm 2022, anh Lê Văn Hoàn, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp đã tập hợp các nông dân trong vùng cùng thành lập HTX Nông nghiệp Hoàn Phương. Sau đó, anh đã trở thành giám đốc của HTX này. HTX hiện có 8 thành viên trồng hơn 20ha cà phê với năng suất 3 tấn/ha.
Theo anh Hoàn, hướng phát triển của HTX là không chỉ sản xuất cà phê mà sẽ thu hút thêm nhiều nông dân cùng phát triển hồ tiêu, trái cây, rau, củ quả. Đây là cách mà HTX vượt qua được các áp lực từ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
“Một trong những khâu yếu của nông dân là sản xuất nông sản vừa nhỏ lẻ, vừa chưa được chứng nhận các tiêu chuẩn. Do đó, liên kết với nhau để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm là giải pháp tốt nhất”, anh Hoàn chia sẻ.
Bên cạnh mở rộng quy mô thì HTX chú trọng sản xuất theo các tiêu chuẩn của thị trường. HTX đang hoàn thiện các thủ tục để cà phê đạt chứng nhận VietGAP và tiến tới đạt nhiều tiêu chuẩn khác.
Nhiều năm nay, HTX đã hướng đến sản xuất cà phê honey, natural. HTX đầu tư máy móc để chế biến cà phê bột Hoàn Phương và năm 2023 đã đạt OCOP hạng 3 sao.
Gia đình ông Liễu Văn Mao, thôn 16, xã Đắk D’rông, huyện Cư Jút có gần 1ha đất trồng các loại cây ngắn ngày. Những năm trước đây, gia đình thường trồng các loại cây khác nhau như đậu, bắp, khoai… Từ 3 năm nay, gia đình đã tham gia liên kết sản xuất đậu nành với Công ty Vinasoy.
Ông Mao cho biết, tham gia vào liên kết, gia đình ông được nhiều cái lợi hơn so với trước đây. Cụ thể, ông được cung ứng nguồn giống chất lượng, nên không còn lo chuyện giống tốt, giống giả khi mua trên thị trường.
Ông được các nhân viên kỹ thuật của công ty đến tận vườn hướng dẫn quy trình chăm sóc đạt chuẩn. Ông còn được công ty ký cam kết bao tiêu sản phẩm.
Công ty công bố giá thu mua sản phẩm đậu nành ngay từ đầu vụ. Do đó, việc sản xuất đậu nành đã không còn lo đầu ra, giá cả cũng rất yên tâm.
Trong 90 ngày sản xuất, gần 1ha đậu nành của gia đình ông thu về hơn 3 tấn, cho doanh thu gần 55 triệu đồng, còn chi phí đầu tư chỉ mức 15 triệu đồng.
Theo Sở NN-PTNT, Đắk Nông có 65 liên kết thuộc 9 ngành hàng, với 9.660 hộ tham gia. Liên kết theo chuỗi giá trị ngày càng có sức hút, sự hấp dẫn với nông dân, HTX.
Đây là cơ sở để tỉnh đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất theo chuỗi ngành hàng, trong đó quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn, sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn, chất lượng cao.
Tỉnh ưu tiên các ngành hàng cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái gắn với phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã làm cầu nối quan trọng để hình thành và phát triển liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Lãnh đạo NN – PTNT cho biết, những năm qua, các hoạt động tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được quan tâm mạnh mẽ. Trong đó, ngành Nông nghiệp rất chú trọng kiến tạo, hỗ trợ xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.
Việc thực hiện các chuỗi liên kết đã giúp khai thác hiệu quả lợi thế sản xuất, phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường.
Liên kết cũng giúp giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật; giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu thị trường, từ đó tăng sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản.
Nguồn: https://baodaknong.vn/lien-ket-san-xuat-ket-noi-nong-dan-nang-tam-nong-san-dak-nong-219936.html