Nhận thấy điều kiện tự nhiên phù hợp dòng cây cảnh lá, nhất là cây trầu bà monstera; cùng nhu cầu thị trường, nhiều nhà nông ở xã Hòa Ninh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung trồng loại cây cảnh có giá trị này, đồng thời xây dựng chuỗi liên kết sản xuất phục vụ thị trường xuất khẩu.
Hôm chúng tôi đến, anh Vũ Văn Lâm, chủ trang trại lá cảnh Lâm Vũ, xã Hòa Ninh, huyện Di Linh, đang gieo những hạt giống trầu bà monstera trong trang trại của gia đình. Anh cho biết, trang trại lá cảnh Lâm Vũ chuyên dòng trầu bà monstera. “Mình phải nhập hạt giống từ Mỹ, Mexico về ươm tại trang trại. Qua quá trình ngâm ủ, hạt được gieo vào các vỉ tương tự như hạt giống rau. Sau khi ươm, khoảng 20 ngày thì hạt nảy mầm, sau 2,5 tháng cây cao khoảng 15 cm, có thể ra chậu và xuất bán”, anh Lâm chia sẻ. Gieo hạt là cách sản xuất giống nhanh, nhiều, giá rẻ và ra chuẩn giống cây mẹ. Hằng năm, trang trại lá cảnh Lâm Vũ nhập hạt giống với số lượng lớn, ươm cây nhỏ ngay tại vùng đất Di Linh để phục vụ chuỗi liên kết trồng trầu bà do anh Lâm thành lập.
Qua thời gian tìm hiểu thị trường, gia đình anh Lâm quyết định chuyển đổi 4.000 m2 trồng cây hồng môn sang canh tác cây trầu bà. Tuy nhiên, sản lượng của trang trại lá cảnh Lâm Vũ không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Anh Lâm cho biết: “Nhận thấy thị hiếu và giá trị kinh tế từ cây trầu bà, tôi đã hình thành liên kết sản xuất, hợp tác với sáu nhà nông chuyên canh tác trầu bà monstera. Chúng tôi cung cấp giống cho hộ liên kết, sau đó thu mua cây, lá trầu bà của họ. Sản phẩm được thu hoạch và xuất ra thị trường hằng ngày”.
Chị Đào Thị Kim Thanh, xã Hòa Ninh, huyện Di Linh, một trong những nông hộ liên kết sản xuất với trang trại lá cảnh Lâm Vũ cho biết, sau khi nhận cây giống, gia đình chị tổ chức sản xuất theo quy trình kỹ thuật được chủ trang trại Lâm Vũ chuyển giao, sau khoảng 6 đến 8 tháng là có thể cắt lá để bán, mang lại thu nhập ổn định. Cùng với thu hoạch lá, cây từ 2 năm tuổi có thể bán nguyên gốc.
Trang trại lá cảnh Lâm Vũ hiện cung cấp sản phẩm trầu bà monstera trên nhiều nền tảng mạng xã hội, phân phối đến nhiều thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Campuchia. Chủ trang trại cho biết, khâu đóng gói, vận chuyển cây trầu bà khá thuận lợi; sản phẩm đến tay khách hàng bảo đảm hình thức, chất lượng, đã tạo hướng mở để trang trại tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, xuất khẩu. Cùng với cung cấp sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, trang trại hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc qua mạng xã hội cho khách hàng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Ninh Nguyễn Thị Hải cho rằng: “Mô hình sản xuất trang trại-nông dân “vệ tinh” của Lâm Vũ đã mở ra hướng mới trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương”■
Nguồn: https://baodaknong.vn/lien-ket-san-xuat-cay-canh-la-xuat-khau-243297.html