Tổng thư ký LHQ đang tiếp tục nỗ lực tìm ra con đường để đưa Nga trở lại Thỏa thuận Ngũ cốc, lưu ý rằng một phần của thỏa thuận là “cung cấp một số hỗ trợ để phân bón của Nga tiếp cận thị trường.”
Vận chuyển lúa mỳ lên tàu hàng tại Cảng Quốc tế Rostov-on-Don để chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngày 1/8, Đại diện thường trực của Mỹ tại Liên hợp quốc, bà Linda Thomas-Greefield cho hay có thông tin nói rằng Nga sẵn sàng đàm phán để nối lại thỏa thuận trong khuôn khổ Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, song Mỹ chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào liên quan đến hành động đó.
Bà Thomas-Greenfield giải thích nếu Nga muốn đưa phân bón của nước này ra thị trường toàn cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch nông nghiệp thì “họ sẽ phải quay lại thỏa thuận này.”
Quan chức ngoại giao Mỹ chia sẻ Mỹ đã chứng kiến những dấu hiệu cho thấy Nga có thể quan tâm đến việc quay lại những cuộc thảo luận và Mỹ đang chờ đợi hành động của Nga.
Về phần mình, Nga cho biết nếu những yêu cầu cải thiện hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bốn được đáp ứng, Nga sẽ xem xét khôi phục Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hồi tháng 7/2022 để xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu sau khi xảy ra xung đột tại Ukraine.
Hãng thông tấn quốc gia RIA dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 1/8 cho biết Nga sẵn sàng quay lại đàm phán về Thỏa thuận Ngũ cốc ngay lập tức, nhưng là sau khi các điều kiện của Nga được đáp ứng.
Ngũ cốc và phân bón xuất khẩu của Nga không phải chịu lệnh trừng phạt của phương Tây nhưng Nga cho biết các hạn chế về thanh toán, logistics và bảo hiểm là những rào cản đối với các chuyến hàng.
Một tuần trước, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin, người dẫn đầu các cuộc đàm phán của Nga để đạt được Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen, bên lề hội nghị thượng đỉnh về hệ thống thực phẩm của Liên hợp quốc ở Rome.
Nga đã rút khỏi Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen vào ngày 17/7 vừa qua. Thỏa thuận này đã 3 lần được gia hạn. Lần gia hạn gần đây nhất có hiệu lực từ ngày 18/5 và kéo dài trong 2 tháng.
Sau khi rút khỏi Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen, Nga đã bắt đầu nhắm mục tiêu vào các cảng và cơ sở hạ tầng ngũ cốc của Ukraine trên Biển Đen và sông Danube, khiến giá ngũ cốc toàn cầu tăng vọt.
Gần 33 triệu tấn ngũ cốc Ukraine đã được xuất khẩu theo Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen. Ukraine và Nga đều là những nhà xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu.
Đại sứ Thomas-Greenfield cho hay Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres đang tiếp tục nỗ lực tìm ra con đường để đưa Nga trở lại thỏa thuận này, đồng thời lưu ý rằng một phần của thỏa thuận là “cung cấp một số hỗ trợ để phân bón của Nga tiếp cận thị trường./.