Quy hoạch tỉnh Lâm Ðồng xác định, đến năm 2030, tỉnh phát triển nhanh, bền vững; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; lấy phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá; phấn đấu đến năm 2050 đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.
Ðể hiện thực hóa mục tiêu này, Lâm Ðồng đã xác định các trụ cột chính trong phát triển kinh tế-xã hội và định hướng chuyển đổi xanh, nhằm đạt được tương lai phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
Xác định nền tảng xanh
Mới đây, tại thành phố Ðà Lạt, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Ðồng phối hợp Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường tổ chức diễn đàn đầu tư “Cao nguyên xanh Lâm Ðồng chuyển đổi xanh bền vững: Cơ hội cho nhà đầu tư thu hút hơn 250 đại biểu là đại diện bộ, ngành trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.
Tại diễn đàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Hồng Thái cho biết, Lâm Ðồng có nhiều tiềm năng, thế mạnh so với các địa phương trong vùng, như điều kiện tự nhiên thuận lợi; tài nguyên du lịch giàu có, phong phú, đặc sắc; văn hóa dân tộc đa dạng, người dân thân thiện và mến khách; tiềm năng đất đai đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ và hiện đại; nền kinh tế có quy mô khá so với vùng; phát triển khoa học-công nghệ, kinh tế số, chuyển đổi số và kinh tế đô thị được quan tâm, thúc đẩy…; từ đó mang lại cho tỉnh nhiều lợi thế để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,37%, tiềm năng lớn để tham gia vào thị trường tín chỉ các-bon.
Lâm Ðồng có vị trí chiến lược quan trọng về địa lý, kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng; kết nối trực tiếp của 3 vùng kinh tế, gồm Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Ðông Nam Bộ – khu vực phát triển năng động nhất Việt Nam. Cùng với mục tiêu, định hướng tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch tỉnh Lâm Ðồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy tháng 8/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gợi ý bổ sung đột phá chiến lược cho địa phương, đó là “phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm; chống biến đổi khí hậu, phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí”.
Theo đó để thực hiện chủ trương, định hướng và mục tiêu trên, tỉnh xác định, tiếp tục huy động mọi nguồn lực để xây dựng địa phương phát triển nhanh, bền vững dựa trên 3 trụ cột chính, bao gồm nông nghiệp hiện đại, trung tâm sản xuất nghiên cứu nông nghiệp thông minh, hiệu quả, nông nghiệp hữu cơ tầm quốc gia và quốc tế; phát triển du lịch-dịch vụ chất lượng cao và bền vững, trong đó thành phố Ðà Lạt trở thành trung tâm dịch vụ – du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch canh nông và du lịch văn hóa-di sản, danh lam thắng cảnh tầm quốc gia và quốc tế; phát triển công nghiệp theo hướng chọn lọc, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến dược liệu, dược phẩm và thực phẩm chức năng từ sản phẩm nông nghiệp.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Hồng Thái cho biết, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ mới vào phát triển kinh tế; chú trọng chuyển đổi xanh, bảo đảm cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững.
Để chuyển đổi xanh bền vững
Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã phân tích 4 vấn đề đang diễn ra trên toàn cầu liên quan chuyển đổi xanh, như: Tác động của việc tăng dân số thế giới, chiến lược an ninh lương thực mỗi quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ và tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo Tiến sĩ Phạm S, các vấn đề này đều ảnh hưởng đến nước ta, cho nên không chỉ Lâm Ðồng mà cả nước đều cần phải chuyển đổi xanh bền vững, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Theo đó, tăng trưởng xanh cần phải dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải nhà kính, nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế; đồng thời, phải dựa trên cơ sở khoa học và công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện quốc gia, địa phương…
Ðối với Lâm Ðồng, để thực hiện chiến lược phát triển đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; đến năm 2050 đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống; hiện nay tỉnh đã và đang tập trung đầu tư, kêu gọi đầu tư 15 dự án để phát triển kinh tế-xã hội, trong đó, ưu tiên công nghệ cao, phát triển xanh.
Tại diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư chia sẻ về các nội dung liên quan đến nguồn lực, phương thức, giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi cũng như cơ hội của các nhà đầu tư đối với các dự án, các hạng mục chuyển đổi xanh của tỉnh; gợi mở những “thể chế xanh”, các nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh, phát triển bền vững…
Bà Ðoàn Ngọc Bích, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà-phê Tám Trình khẳng định: “Ðổi mới công nghệ, sản xuất xanh, sạch chính là chìa khóa của sự phát triển bền vững. Chúng tôi đang hoàn thiện hệ thống giám sát thông minh nhằm đáp ứng tiêu chuẩn các thị trường quốc tế”.
Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Nhữ Thăng thông tin. Thời gian qua, Việt Nam đã có một số cơ chế, chính sách quan trọng để huy động nguồn lực chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, nhờ đó, nước ta bước đầu đã tiếp cận được khái niệm xanh và phát triển xanh. Tuy nhiên, về việc phân bổ ngân sách, cần có các tiêu chí rõ ràng, nhất là tiêu chí xác định như thế nào là xanh.
Theo Tiến sĩ Vũ Nhữ Thăng, cần kiến nghị Chính phủ sớm ban hành danh mục dự án xanh, tạo điều kiện cho đầu tư nguồn lực xanh; Quốc hội đưa khái niệm xanh vào trong việc phân bổ nguồn vốn đầu tư, cụ thể hóa vấn đề xanh.
Trên cơ sở đó, chính quyền các địa phương có căn cứ để thực hiện và chủ động thực hiện thí điểm, để hỗ trợ ngân sách cho những dự án xanh bằng việc hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ qua quỹ đầu tư địa phương, hoặc bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lâm Ðồng cũng như các địa phương cần đưa tiêu chí xanh, tài chính xanh vào các nghị quyết để có cơ sở hỗ trợ nguồn lực từ ngân sách cho các dự án trọng tâm, trọng điểm tại địa phương.
Nguồn: https://baodaknong.vn/lam-dong-huong-den-chuyen-doi-xanh-ben-vung-233653.html