Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề xuất lãi suất vay ưu đãi từ ngân sách cho nhà ở xã hội nên giới hạn ở mức 4,7%/năm, trong khi lãi suất vay thương mại nên dao động từ 6-7%/năm.
Trong báo cáo chuẩn bị cho Hội nghị sắp tới về thúc đẩy nhà ở xã hội và phát triển bền vững thị trường bất động sản, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá phù hợp với thu nhập người dân.
Về nguồn vốn, HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định mức lãi suất vay 4,7%/năm dành cho hộ nghèo vay năm 2025 tại Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Chính sách này nhằm thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 48 Nghị định 100/2024/NĐ-CP về việc vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở. Theo đó, người mua, thuê mua nhà ở xã hội sẽ được hưởng mức lãi suất bằng với lãi suất cho vay hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định từng thời kỳ.
Hiện nay, theo Công văn số 4524/NHCS-TDSV ngày 01/08/2024 của Ngân hàng Chính sách Xã hội, mức lãi suất cho vay hộ nghèo là 6,6%/năm. HoREA cho rằng mức lãi suất này còn quá cao, chưa thực sự khuyến khích phát triển nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước xây dựng cơ chế hỗ trợ người trẻ (từ 18-45 tuổi) mua căn nhà đầu tiên bằng cách cho vay tín dụng với lãi suất thương mại hợp lý (khoảng 6-7%/năm) và thời hạn vay 10-15 năm, với khoản vay được đảm bảo bằng chính căn nhà đó.
Chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp tái cấu trúc dự án bất động sản, đẩy mạnh đầu tư vào phân khúc nhà ở thương mại giá phù hợp và đồng hành cùng chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030, góp phần tái cấu trúc thị trường bất động sản theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững.
Theo đánh giá của HoREA, đa số người trẻ có tinh thần cầu tiến, thời gian lao động dài và thu nhập có xu hướng tăng dần. Sau khoảng 10-15 năm, thu nhập của họ thường tăng gấp đôi hoặc hơn, do đó rủi ro đối với ngân hàng khi cho vay là không đáng kể.
Ngoài các đề xuất về vốn, HoREA cũng đưa ra nhiều kiến nghị liên quan đến quỹ đất, thủ tục hành chính, thuế… nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Cụ thể, Hiệp hội kiến nghị Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2024/NĐ-CP, trong đó quy định quỹ đất dành cho nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại sẽ được xác định theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đồng thời, cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất và quy mô dân số lên tối đa 1,5 lần so với tiêu chuẩn xây dựng, giúp tăng khoảng 50% số lượng căn hộ trên cùng diện tích đất, tối ưu hóa việc sử dụng quỹ đất.
HoREA cũng đề xuất Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền bổ sung quy định trong Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, trường hợp doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê sẽ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 3% và thuế thu nhập doanh nghiệp 6%, qua đó khuyến khích đầu tư vào loại hình này.
Bên cạnh đó, Hiệp hội đề xuất bổ sung vào Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định công nhận “nhà trọ cho thuê dài hạn theo tháng, theo năm” là một loại nhà ở xã hội.
Đây là mô hình nhà ở riêng lẻ do cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng nhằm cho công nhân, lao động, người nhập cư thuê, giúp các chủ nhà trọ được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân…
Nguồn: https://baodaknong.vn/lai-suat-cho-nguoi-tre-vay-mua-can-nha-dau-tien-chi-nen-6-7-nam-242388.html