Huyện Krông Nô có 30 HTX nông nghiệp. Thời gian qua, việc CĐS trong các HTX nông nghiệp luôn được huyện hỗ trợ và đã đạt một số kết quả tích cực.
Các nguồn kinh phí được địa phương ưu tiên hỗ trợ các HTX thực hiện CĐS. Cụ thể, huyện đã hỗ trợ các HTX thực hiện sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP, 4C, UTZ, Rainforest, hữu cơ… trên 2.500 ha. Ngoài ra, huyện hỗ trợ máy móc, trang thiết bị, kho bãi cho các HTX phục vụ sản xuất, chế biến và bảo quản.
Krông Nô đã hỗ trợ xây dựng 2 nhãn hiệu hàng hoá tập thể gồm: “Lúa gạo Krông Nô” cho HTX Sản xuất lúa gạo Buôn Choáh; “Bơ núi lửa Krông Nô” cho HTX Dịch vụ bơ núi lửa Krông Nô. Huyện tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ, giám đốc HTX về CĐS.
Ông Đinh Đăng Linh, Giám đốc HTX Sản xuất lúa gạo Buôn Choáh cho biết, HTX tiếp nhận nhãn hiệu tập thể “Lúa gạo Krông Nô” từ cuối năm 2021 và luôn nỗ lực xây dựng thương hiệu để ngày càng phát triển.
Quá trình phát triển thương hiệu “Lúa gạo Krông Nô” có những thuận lợi xen lẫn khó khăn, nhưng các thành viên HTX luôn đồng tâm, hiệp lực để làm tốt nhiệm vụ. HTX luôn lựa chọn các giống lúa có năng suất, chất lượng tốt như ST24, ST25… vào sản xuất.
Các thành viên tuân thủ quy trình sản xuất lúa VietGAP. HTX có sản phẩm gạo đạt OCOP 4 sao và đưa lên sàn thương mại điện tử, các nền tảng internet… để quảng bá, tiêu thụ.
HTX được UBND huyện Krông Nô nâng cao kiểu dáng, mẫu mã, bao bì sản phẩm; mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm; quy trình chế biến HACCP.
Theo lãnh đạo UBND huyện Krông Nô, địa phương đã hỗ trợ 12 HTX xây dựng website giới thiệu sản phẩm. Huyện hỗ trợ các HTX hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP.
Huyện Krông Nô có 10 sản phẩm OCOP, trong đó 4 sản phẩm đạt 4 sao, 6 sản phẩm đạt 3 sao. Tất cả sản phẩm đạt OCOP của các HTX đều được địa phương hỗ trợ tham gia các sàn thương mại điện tử như: SAMOCOP, Postmart, VOSO. Nhiều HTX được hỗ trợ sử dụng các trang mạng như zalo, facebook để giới thiệu, bán hàng.
Ông Vũ Văn Nghĩa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Krông Nô cho biết, HTX được huyện tư vấn, hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ thủ tục đánh giá sản phẩm OCOP. Tuy còn nhiều khó khăn trong CĐS, nhưng HTX sẽ khắc phục, tiếp cận sâu với các công nghệ số để phát triển.
Theo ông Nguyễn Huy Phong, Phó Phòng NN-PTNT huyện Krông Nô, nguồn lực Nhà nước hỗ trợ các HTX thực hiện CĐS chưa đáp ứng nhu cầu. Năng lực CĐS của các HTX còn hạn chế; hàm lượng khoa học, công nghệ CĐS còn thấp. Số lượng HTX, sản phẩm tham gia CĐS chưa nhiều, hiệu quả chưa cao.
Do đó, từ nay đến năm 2025, huyện tiếp tục đẩy mạnh CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh nâng cao kiến thức, kỹ năng CĐS cho người dân, trọng tâm là các HTX nông nghiệp.
Krông Nô tiếp tục khắc phục những hạn chế, đẩy mạnh số hoá dữ liệu, thông tin ngành nông nghiệp phục vụ kết nối thuận lợi, hiệu quả nhất giữa người dân, doanh nghiệp, HTX, Nhà nước, thị trường. Huyện khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn cơ sở dữ liệu, thông tin.
Huyện lồng ghép các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia để tiếp tục hỗ trự HTX thực hiện CĐS, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.