Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới gia tăng mạnh trong tháng đầu năm, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo vệ nền kinh tế và quyền lợi người tiêu dùng.
Gian lận thương mại là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế, doanh nghiệp hợp pháp và quyền lợi của người tiêu dùng. Mỗi dịp Tết Nguyên đán sắp đến là thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, đặc biệt là các mặt hàng như thực phẩm, rượu bia, thuốc lá, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, vàng bạc… Điều này tạo cơ hội cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại lợi dụng để “tuồn” hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhập lậu vào thị trường.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, số vụ phát hiện, bắt giữ và xử lý tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2024, trong khi trị giá hàng hóa vi phạm tăng 19,4%. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu bao gồm pháo nổ, hàng tiêu dùng tại tuyến biên giới Việt – Trung, Việt – Lào phục vụ nhu cầu Tết; mặt hàng vàng và tiền tệ ở khu vực biên giới Tây Nam. Tình trạng vận chuyển, mua bán trái phép các mặt hàng này tiếp tục diễn biến phức tạp tại miền Trung và các khu vực giáp ranh Trung Quốc, Campuchia.
Ngoài ra, hoạt động vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy và tiền chất qua biên giới tiếp tục gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đối tượng đã lợi dụng đường hàng không, bưu điện quốc tế và chuyển phát nhanh để ngụy trang ma túy trong các gói kẹo, thực phẩm chức năng, thức ăn cho thú cưng, mỹ phẩm và thịt động vật nhằm qua mặt cơ quan chức năng, từ đó mang về Việt Nam và chuyển tiếp đi tiêu thụ ở các nước khác.
Trước tình hình này, Tổng cục Hải quan đã tập trung triển khai Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Kế hoạch nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, các cơ quan, đơn vị chủ động, kịp thời kiểm soát tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển; hoạt động gian lận thương mại, trốn thuế; hành vi mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Từ 15/12/2024 đến 14/01/2025, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 1.430 vụ vi phạm pháp luật Hải quan, với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.462 tỷ đồng. Trong đó, có 07 vụ được chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 95 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, lực lượng Hải quan đã phối hợp với Công an và Bộ đội Biên phòng phát hiện và bắt giữ 04 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Tang vật thu giữ bao gồm 24,3 kg pháo nổ và 16,9 kg ma túy các loại. Từ 16/12/2024 đến 15/01/2025, ngành Hải quan đã phát hiện 29 vụ mua bán, vận chuyển trái phép ma túy liên quan đến 25 đối tượng. Trong đó, cơ quan Hải quan chủ trì 08 vụ, thu giữ 98,67 kg ma túy các loại, bao gồm 401,7 gram thuốc phiện, 18,9 kg cần sa, 6,8 kg heroin, 12,25 kg ketamine, 58,2 kg ma túy tổng hợp, 2 kg ma túy khác và 60.000 viên ma túy tổng hợp.
Để đảm bảo xử lý kịp thời các vụ vi phạm, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan rà soát, xử lý nhanh chóng các vụ án tồn đọng, đồng thời phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để làm rõ các vụ việc có dấu hiệu vi phạm. Công văn số 191/TCHQ-PC ngày 13/01/2025 cũng được ban hành nhằm đẩy mạnh việc xử phạt hành chính và xây dựng cơ chế xử lý phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới.
Tuy nhiên, các đối tượng buôn lậu vẫn dùng đủ mọi thủ đoạn để “tuồn” hàng qua biên giới bất chấp sức khỏe, tính mạng của đồng bào. Hiện nay, pháo lậu vẫn được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Pháo hoa Thái Lan (loại 36 ống và 49 ống) được rao bán với giá từ 900.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/giàn. Các loại pháo lậu khác cũng được rao bán công khai trên các trang mạng xã hội, hội nhóm, diễn đàn, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Việc người dân mua và sử dụng những loại pháo lậu này là hành vi tiếp tay cho kẻ gian trục lợi, gây ra những hậu quả khôn lường. Mỗi dịp Tết đến xuân về, các cơ quan chức năng đều chủ động, tích cực tuyên truyền công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy cho người dân nhưng nhiều hộ gia đình vẫn ngang nhiên đốt các loại pháo lậu với tiếng nổ lớn, không đảm bảo an toàn chất lượng gây ra nguy cơ cháy nổ cao. Đây là một thực trạng đáng buồn cần được khắc phục kịp thời để đảm bảo an toàn cho người dân.
Dù công tác kiểm soát gian lận thương mại còn gặp nhiều thách thức, nhưng với quyết tâm cao của lực lượng chức năng cùng với ứng dụng cải tiến công nghệ giám sát, đẩy mạnh hợp tác quốc tế đã góp phần ngăn chặn gian lận thương mại, bảo vệ nền kinh tế và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.
Nguồn: https://baodaknong.vn/kiem-soat-gian-lan-thuong-mai-bao-ve-quyen-loi-cua-nguoi-tieu-dung-242268.html