Lãi suất ở mức rất cao chứ không phải là cao
TS Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia cho rằng, lạm phát toàn cầu, chỉ số USD đang có xu hướng đi xuống, còn dự báo về tăng trưởng kinh tế thì các định chế tài chính lớn có nhiều quan điểm khác nhau và mỗi nước có chính sách điều hành khác nhau. Ở Việt Nam, lãi suất tiền gửi đã giảm khá nhanh nhưng lãi suất cho vay vẫn còn khá cao.
“Một người bạn của tôi vay của một ngân hàng khá tên tuổi để đầu tư vào điện mặt trời với lãi suất 17%/năm và tới đây ngân hàng có hứa sẽ giảm xuống 15%. Đầu tư dài hạn mà lãi suất như vậy thì… quá cao”, ông Nghĩa nói và cho biết lãi suất thực (trừ đi lạm phát) còn tới 10% là rất cao.
“Không nước nào trên thế giới có lãi suất cao khủng khiếp như vậy”, vị chuyên gia từng là lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh
Theo quan điểm của ông Nghĩa, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều nỗ lực giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng lãi suất vẫn ở mức “rất cao chứ không phải là cao”. Có thể NHNN lo ngại sự biến động khó lường của tỷ giá.
Tuy vậy, phân tích từ các dữ liệu thì áp lực tỷ giá thời gian tới không quá lớn dựa vào 3 yếu tố.
Thứ nhất, đồng USD sẽ không tăng, thậm chí còn giảm. Thứ hai, giá hàng hóa của thế giới nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tăng, đặc biệt là nhiên liệu, nhưng áp lực này cũng không quá lớn và Bộ Tài chính vẫn còn dư địa để can thiệp (thuế, phí xăng dầu). Thứ ba, cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn dương (+). 6 tháng qua, thặng dư thương mại lớn, NHNN có thể mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Các yếu tố cho thấy áp lực tỷ giá thời gian tới không còn nguy hiểm và tỷ giá năm 2023 – 2024 sẽ duy trì ổn định.
“Với một quốc gia mở cửa thuộc loại nhiều nhất thế giới như Việt Nam, tỷ giá ổn định là điều kiện để thị trường tài sản, thị trường chứng khoán có thể đứng vững, phục hồi nhẹ”, TS Nghĩa nhận xét.
Nên tiếp tục giảm lãi suất
Dự báo về diễn biến lãi suất, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nhiều khả năng cuối năm nay FED dừng tăng lãi suất và có thể điều chỉnh giảm lãi suất từ cuối năm sau. Châu Âu cũng có thể dừng việc tăng lãi suất từ cuối năm nay do lạm phát giảm nhanh hơn dự đoán. Do đó, đây là cơ hội để NHNN giảm thêm lãi suất mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong điều kiện kinh tế khó khăn, để tăng khả năng tiếp cận tín dụng, bên cạnh giảm lãi suất, tất cả các nước “lùi” yếu tố tài sản thế chấp và tập trung vào khả năng trả nợ, hiệu quả dự án.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cho biết, “ở Việt Nam chúng ta thì không, làm gì thì làm cũng phải có tài sản thế chấp. Có doanh nghiệp xuất khẩu thức ăn chay sang châu Âu, năm ngoái doanh thu 10 tỷ đồng, năm nay đơn đặt hàng lên 15 tỷ đồng, nhưng khi doanh nghiệp trình đơn đặt hàng cho ngân hàng thì ngân hàng không cho vay thêm vì tài sản thế chấp vẫn chỉ có vậy”, ông Nghĩa chia sẻ.
Theo ông Nghĩa, trong giai đoạn phục hồi, ngân hàng cần thẩm định tính hiệu quả dự án, khả năng trả nợ trong tương lai chứ không chỉ nhìn vào tài sản thế chấp.
Cùng vấn đề tiếp cận vốn, ông Nghĩa liên hệ với vấn đề trái phiếu doanh nghiệp: “Trái phiếu doanh nghiệp mà đòi có tài sản thế chấp?. Chúng ta chỉ nên căn cứ vào xếp hạng, khả năng trả nợ, chứ ai quản lý nổi tài sản thế chấp đó, rất phức tạp”, ông Nghĩa nói.
Vì thế, ông Nghĩa đề xuất các ngân hàng thương mại nên nhìn vào khả năng trả nợ để bơm tín dụng cho doanh nghiệp, qua đó lấy lại niềm tin cho thị trường. Chúng ta cần thuyết phục để NHNN tiếp tục điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm và hỗ trợ mạnh cho doanh nghiệp, cho phục hồi kinh tế, bởi lãi suất thực cao quá.