Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được xác định là một trong những chương trình kinh tế nông nghiệp, nông thôn lớn thể hiện rõ vai trò tích hợp đa giá trị trong ngành nông nghiệp. Đó cũng là điểm nhấn để phát triển các nông sản đặc trưng riêng của từng vùng miền, địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Mục tiêu của chương trình nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP đều gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Nhiều sản phẩm không ngừng được hoàn thiện nâng cấp và có nhiều chuyển biến rõ rệt về chất lượng, quy trình của sản xuất, chế biến cũng như mẫu mã bao bì, hệ thống nhận diện thương hiệu,…
Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều hoạt động kết nối phân phối, đưa sản phẩm OCOP vào các kênh bán lẻ. Tuy nhiên, sức tiêu thụ của các sản phẩm này vẫn còn rất khiêm tốn. Theo một số điểm bán hàng của sản phẩm OCOP thì sản phẩm chủ yếu được các đơn vị, doanh nghiệp mua làm quà biếu vào các dịp lễ, tết, còn lượng khách đến mua để sử dụng trong gia đình rất khiêm tốn.
Nguyên nhân chủ yếu do hiện nay, đa số người tiêu dùng vẫn chưa biết cụ thể sản phẩm OCOP có gì đặc biệt mà giá lại cao hơn so với các sản phẩm cùng loại bên ngoài. Trong khi đó, để đưa sản phẩm vào siêu thị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải chấp nhận chiết khấu cao.
Ông Nguyễn Xuân Nhu, người sáng lập và điều hành Công ty TNHH MTV Phát triển nông nghiệp Công nghệ cao nấm vàng và hoa, TP. Gia Nghĩa cho biết: Công ty chuyên cung cấp các sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo, hiện đã có 2 sản phẩm được công nhận OCOP hạng 3 sao. Từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP (năm 2021), sản phẩm của công ty được tiêu thụ nhiều tại thị trường trong và ngoài tỉnh, nhiều khi không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Sau khi trừ chi phí, hàng năm doanh thu của công ty đạt trên 1 tỷ đồng.
Theo chị Nguyễn Thị Hoa, xã Đắk R’moan, TP. Gia Nghĩa, nhiều khi được nghe đến các sản phẩm nông sản có chứng nhận OCOP nhưng việc mua ở đâu và cụ thể cơ sở nào thì không chỉ riêng tôi mà nhiều người dân khác cũng ít khi nắm rõ. Bên cạnh đó, các sản phẩm này theo tôi được biết có giá thành cao hơn so với các sản phẩm cùng chủng loại bên ngoài nên tôi thường chọn mua các sản phẩm bên ngoài sử dụng để tiết kiệm chi phí.
Trong số 60 sản phẩm toàn tỉnh được công nhận OCOP, có 7 sản phẩm đạt 4 sao; 53 sản phẩm đạt 3 sao và có 2 sản phẩm đang được Sở NN- PTNT, chủ thể hoàn thiện hồ sơ để trình cơ quan thẩm quyền xem xét đánh giá hạng 5 sao.
Để tiếp cận được nhiều người tiêu dùng, tỉnh cần tăng cường giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP đến với người dân, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn để người dân tiếp cận giá trị các sản phẩm OCOP. Ngoài ra, các công ty, doanh nghiệp, HTX cũng cần có chương trình, thời điểm khuyến mại, giảm giá phù hợp để kích thích nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trong dân, gắn lợi ích chung của người dân với doanh nghiệp.
Hiệu quả từ thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã được đánh giá là khá rõ rệt, tạo ra “làn gió” mới trong sản xuất và triển nông nghiệp. Trong đó, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu đang được chú trọng.
Đến nay, các sản phẩm OCOP đã tham gia rất nhiều kênh phân phối, giới thiệu quảng bá trên cả nước. Toàn tỉnh có 10 sản phẩm được tỉnh hỗ trợ đưa lên sàn thương điện tử. Nhiều sản phẩm đã tạo nên hình ảnh, thương hiệu như Bơ núi lửa Krông Nô, Bưởi Sang’s Farm, Hạt điều rang muối, Gạo ST24 Krông Nô, Cà phê bột Đắk Đam… được người tiêu dùng đánh giá cao.
Theo đại diện một số đại lý, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn tỉnh thì sức tiêu thụ các sản phẩm OCOP Đắk Nông còn thấp. Nguyên nhân là các doanh nghiệp còn chưa quan tâm đến các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu thụ sản phẩm để thu hút người tiêu dùng. Trong khi đó, các sản phẩm OCOP Đắk Nông cũng chưa có lợi thế về bao bì mẫu mã để hấp dẫn người tiêu dùng.
Ngoài ra, các khâu tiếp thị sản phẩm tiêu biểu của địa phương cũng đối mặt với nhiều thách thức mà vấn đề lớn nhất là phương thức, chiến lược tiếp thị sản phẩm để có chỗ đứng trong các kênh phân phối, tham gia vào chuỗi giá trị. Nguyên nhân do các chủ thể OCOP chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh ít vốn đầu tư nên việc tiếp thị, tiếp cận công nghệ, đầu tư xây dựng thương hiệu, truyền thông cho sản phẩm còn hạn chế.
Để sản phẩm OCOP ngày càng đến gần với thị trường trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng đón nhận, trong năm 2023, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành hướng dẫn các chủ thể OCOP về bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ cho sản phẩm OCOP; tổ chức triển khai các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo về phát triển sản phẩm OCOP gắn với đổi mới công nghệ, thiết kế bao bì sản phẩm. Ngành Ngân hàng chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh…
Bên cạnh đó, tập trung quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua nhiều hình thức như mở rộng xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm các sản phẩm OCOP; thử nghiệm, phân phối sản phẩm tại các địa điểm du lịch; lồng ghép trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP trong các chương trình hội nghị; khuyến khích các cơ quan, đơn vị sử dụng sản phẩm OCOP của tỉnh làm quà tặng trong các hoạt động giao lưu, đối ngoại…
Tại Diễn đàn kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản Đắk Nông năm 2023 được UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức ngày 5/12/2023, nhiều doanh nghiệp, HTX mong muốn địa phương ban hành cơ chế, chính sách mới theo hướng ưu tiên hỗ trợ để khuyến khích phát triển các sản phẩm được chế biến, chế biến sâu; hỗ trợ để áp dụng vào sản xuất theo các tiêu chuẩn tiên tiến như GlobalGAP, Organic, GMP, HACCP, ISO…
Qua đó, để các sản phẩm OCOP có điều kiện tiếp cận thị trường trong nước và được mở rộng sang thị trường xuất khẩu, giúp sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ sản phẩm.