Tầm soát, xử lý các tồn tại về pháp lý
Đắk Nông có 262 công trình CNTT. Trong đó, 74 công trình công trình hoạt động (40 công trình hoạt động bền vững, 25 công trình hoạt động trung bình; 9 công trình hoạt động kém hiệu quả); 188 công trình ngưng hoạt động.
Trên cơ sở rà soát, phân loại, Sở NN-PTNT đề xuất UBND tỉnh tiếp tục cho thanh lý, loại bỏ nhiều công trình đã không còn giá trị, có thể gây mất an toàn cho người dân.
Cụ thể, trên địa bàn tỉnh hiện có 133 công trình ngưng hoạt động, không có nhu cầu sử dụng. Trong đó, 48 công trình đã được UBND tỉnh cho thanh lý tại Quyết định số 995/QĐ-UBND ngày 8/7/2015.
Đối với 85 công trình còn lại, UBND tỉnh giao các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị quản lý tài sản thực hiện các bước thủ tục theo quy định và gửi về Sở NN-PTNT để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh quyết định thanh lý tài sản.
Sở NN-PTNT cũng đề xuất tỉnh yêu cầu UBND các huyện Đắk Mil, Đắk R’lấp có biện pháp khắc phục các công trình chưa được bàn giao tài sản và đang ngưng hoạt động để bảo đảm hoạt động, phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch sinh hoạt cho người dân.
2 huyện này tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc công trình CNTT chưa được bàn giao đưa vào sử dụng đã ngưng hoạt động, không bảo đảm mục tiêu của dự án đã được phê duyệt.
Đối với các công trình chưa được bàn giao còn lại, Sở NN-PTNT đề nghị UBND các huyện: Đắk Mil, Đắk R’lấp, Tuy Đức, Cư Jút khẩn trương hoàn thiện hồ sơ. Từ đó, Sở NN-PTNT lấy làm cơ sở tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét quyết định giao tài sản theo quy định.
Các huyện tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc chậm trễ trong việc đề xuất giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch cho đơn vị quản lý, vận hành sau khi công trình thi công hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng.
UBND huyện Krông Nô hoàn thành các nội dung được UBND tỉnh giao tại Quyết định số 105/QĐ-UBND ngày 18/1/2019 đối với công trình CNTT xã Đức Xuyên để công trình được quản lý, vận hành theo đúng quy định, tránh gây thất thoát, lãng phí.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hoàng Văn Nghĩa khẳng định thêm, việc mạnh dạn thanh lý những công trình không còn giá trị, không có nhu cầu sử dụng là tiền đề để sắp xếp, xốc lại hiệu quả đầu tư, quản lý công trình CNTT từ nay về sau.
Đổi mới cách thức đầu tư, quản lý
Cũng theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hoàng Văn Nghĩa để sử dụng các công trình CNTT bền vững, hiệu quả việc định hình một mô hình, cách thức từ đầu tư, quản lý là giải pháp then chốt.
Các chủ đầu tư khi đầu tư công trình nên quan tâm hiệu quả sử dụng. Đó là tính thiết thực, hiệu quả để phục vụ dân sinh, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, nơi người dân thực sự cần.
Để định hình được mô hình quản lý công trình CNTT, ông Nghĩa cho rằng, các yếu tố về con người phải có chuyên môn về ngành nước; kỹ thuật, kỹ năng quản lý vận hành.
“Đầu tiên phải giải được bài toán về kinh tế từ công trình. Trong đó ngoài bảo đảm trả lương cho bộ máy còn có các nguồn bảo đảm hoạt động khác như sửa chữa, bảo trì máy móc, thiết bị công trình…”, ông Nghĩa khẳng định thêm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng NN-PTNT Đắk Song cho rằng, thực tế thời gian qua, một số công trình CNTT trên địa bàn huyện đã bộc lộ cái sai ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư và quá trình xây dựng.
Hậu quả xảy ra là công trình triển khai ở vị trí không phù hợp, không được dân đồng tình. Do đó, phải xốc lại khâu đầu tư, quản lý, vận hành công trình.
Ông Vinh khẳng định thêm: Bây giờ đã có Luật Đầu tư mới. Cứ bám vào là đúng, khoa học, bền vững. Trường hợp giao cho địa phương quản lý thì các xã phải thành lập được tổ quản lý. Tổ đó ai là người đứng đầu, trách nhiệm cao nhất là ai, là gì. Quy chế hoạt động của tổ rõ ràng.
Cũng đồng tình với quan điểm này, ông Trần Đăng Ánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho rằng: Mô hình quản lý CNTT là điểm mấu chốt để “mở van” nước sạch.
Mô hình này phải được định hình từ chỗ con người có chuyên môn về ngành nước. Hiện nay, việc tỉnh giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông quản lý các công trình CNTT là một hướng đi cho thấy hiệu quả, được huyện Krông Nô ủng hộ.
“Tự nuôi sống nó”
Công trình CNTT “tự nuôi sống nó” được xem là giải pháp tiềm năng. Cụ thể, các ông trình CNTT cần được chuyển qua hình thức kinh doanh phù hợp.
Trong đó, việc thu, chi tiền nước hợp lý sẽ cân đối được các yêu cầu về trả lương cho bộ máy quản lý, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc.
Để làm được điều này, việc ban hành bảng giá nước sạch nông thôn là rất cần thiết. Nhận thấy được điều này, UBND tỉnh, HĐND tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo, đồng ý các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng văn bản, trình HĐND tỉnh thông qua bảng giá nước sạch nông thôn.
Ngày 13/2/2023, Thường trực HĐND tỉnh có văn bản đề nghị UBND tỉnh đăng ký bổ sung “Nghị quyết ban hành chính sách hỗ trợ giá nước sạch sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông” để trình HĐND tỉnh thông qua trong năm 2023. Tuy nhiên, đến nay, cơ quan được giao chủ trì tham mưu UBND tỉnh đăng ký, xây dựng nghị quyết là Sở Tài chính vẫn chưa hoàn thành công việc này.
Giá nước cần tính đúng, tính đủ, phù hợp với đời sống, thu nhập người dân nông thôn. Đây là vấn đề lớn, cần sự vào cuộc đồng bộ, nhanh chóng để đáp ứng triển khai.
Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Thừa Anh, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông cho biết: Bảng giá nước (đơn giá) là cơ sở đầu tiên, giải pháp hàng đầu để có thể vận hành các công trình CNTT hiệu quả.
Đây cũng là chiến lược dài hạn để đầu tư cho đội ngũ nhân lực lý, vận hành; đầu tư công nghệ để cải tạo, nâng cấp, duy trì hoạt động các công trình CNTT.
“Bảng giá nước là căn cứ để hạch toán kinh tế thu, chi làm cơ sở để các công trình bảo đảm được tính bền vững. Hoạt động này cũng thể hiện được nội dung về an sinh xã hội đối với cư dân nông thôn”, ông Anh nhấn mạnh.
Ông Anh cho biết thêm, những năm qua, dù chưa được cấp nguồn vốn nào phục vụ cho công tác bàn giao, quản lý công trình CNTT, nhưng bằng những biện pháp của mình, công ty đã thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công nhân, kỹ thuật.
Công ty đầu tư sửa chữa các hư hỏng, nâng cấp thiết bị để phát huy tác dụng các công trình. Việc đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng nước cần vốn lớn.
Mà vốn này không ở đâu khác là từ việc thu chi của mỗi công trình. Khi có được chất lượng nguồn nước cao thì tất yếu sẽ tăng được số hộ sử dụng nước.
Tuy nhiên, theo ông Anh, điều đáng tiếc là đến nay tỉnh vẫn chưa có được bảng giá nước sinh hoạt nông thôn. Điều này đồng nghĩa với việc các công trình chỉ mới được vực dậy một cách chắp vá, thiếu bài bản, khoa học.
Trong bối cảnh hiện nay, khi biến đổi khí hậu gây ra tình trạng khô hạn, sụt giảm nguồn nước ngày càng gay gắt thì việc tìm giải pháp để vận hành các công trình CNTT là một yêu cầu bức thiết.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, thực trạng chung các công trình CNTT nhiều địa phương trong cả nước cũng kém hiệu quả. Đây là một tồn tại cần sự nhìn nhận thấu đáo, tháo gỡ từng bước của các cấp, ngành và sự chung tay của người dân.
Liên quan đến nội dung này, trong một đợt công tác tại Đắk Nông, Vụ trưởng Vụ Nguồn nước, Tổng Cục Thủy lợi (Bộ NN- PTNT) Lê Hùng Nam cho rằng, việc Đắk Nông giao Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý, vận hành công trình CNTT đã cho thấy sự đổi mới, sáng tạo của tỉnh.
Hoạt động này bước đầu ghi nhận những ưu việt lớn, nhất là để các công trình có chủ thực sự, quản lý vận hành bài bản. Đây là mô hình quản lý mới mà Bộ NN-PTNT sẽ gợi ý cho các địa phương khác tham khảo, học tập.
Nguồn: https://baodaknong.vn/khoi-thong-nuoc-sach-cho-dak-nong-220674.html