Thay đổi tư duy, cách làm truyền thống
Gia đình ông Lê Văn Thiện, xã Đắk Gằn (Đắk Mil), có hơn 1,5 ha xoài. Để mang lại hiệu quả cao cho vườn xoài, ông đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước kết hợp bón phân.
Theo ông Tiệp, những năm trước, mỗi đợt tưới, ông phải mất trên 25 giờ. Còn bây giờ, với hệ thống tưới tiết kiệm, thời gian tưới giảm xuống còn hơn 10 giờ và không phải tốn công sức bón phân cho vườn cây.
Ông Thiện cho biết: “Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu khá cao, nhưng bù lại lượng nước, phân bón, tiền điện và công tưới đều giảm. Vườn cây hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn nhờ hệ thống béc được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu về nước, phân bón theo từng thời điểm của cây”.
Theo ông Lê Xuân Quả, Giám đốc Trung tâm Thông tin kỹ thuật và ung dụng KHCN tỉnh Đắk Nông, thiết bị tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân cho cây trồng có nhiều ưu điểm hơn so với tưới tiêu truyền thống. Ngoài điều tiết lưu lượng nước tưới thích hợp, hệ thống còn giúp tiết kiệm hơn 20% lượng nước tưới mỗi năm.
Hệ thống này giúp cây trồng tăng khoảng 20% sản lượng. Bởi phương pháp này hoàn toàn có thể chủ động cung cấp phân bón thông qua nước tưới, giúp cây trồng hấp thụ triệt để dinh dưỡng.
Ngoài ra, phương pháp này còn giúp người dân tiết kiệm chi phí đầu tư, công lao động, lượng phân bón so với tưới nước truyền thống từ 15 – 20%.
Tăng hàm lượng kỹ thuật vào sản xuất
Trong những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh luôn nỗ lực tăng cường hiệu quả các hoạt động khuyến nông, nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp.
Đến nay, một số giải pháp công nghệ cao được áp dụng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh như: nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nước tiết kiệm kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự động, công nghệ thủy canh, quản lý dịch hại tổng hợp…
Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT, trong thời gian qua, các cấp, ngành chuyên môn đã triển khai 6 dự án; 8 đề tài, dự án khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong đó, có 1 giải pháp hữu ích, 22 nhãn hiệu về các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu như: cà phê, tiêu, sầu riêng, bơ, xoài, khoai lang, rau, củ, quả…
Bên cạnh đó, các đơn vị, cơ quan chuyên môn cũng thực hiện nhiều đề tài, dự án mang tính thực tiễn cao. Cụ thể như Dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình lúa chất lượng cao tại vùng sản xuất lúa nước huyện Krông Nô.
Dự án Xây dựng mô hình sản xuất giống, trồng thương phẩm và tiêu thụ gấc lai bền vững tại huyện Cư Jút, Krông Nô. Mô hình sản xuất hồ tiêu theo chuỗi giá trị tại huyện Đắk Song. Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống hồ tiêu sạch bệnh…
Đến nay, Đắk Nông đã và đang hình thành một số ngành hàng lớn như sản xuất cà phê chất lượng cao, chăn nuôi. Nhất là chăn nuôi công nghệ cao đang có xu hướng phát triển mạnh, thu hút các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư.
Đắk Nông đã hình thành được 23 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh. Tỉnh công nhận 4 vùng và 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC). Đến năm 2022, toàn tỉnh có 85.000 ha cây trồng ứng dụng về giống mới, tưới nước tiết kiệm, sản xuất chứng nhận…, với sản lượng hàng năm ước đạt trên 404.000 tấn/năm.