Giám đốc Cơ quan Năng lượng Hạt nhân Iran khẳng định hoạt động làm giàu hạt nhân của Iran vẫn đang tiếp tục, dựa trên khuôn khổ pháp luật chiến lược.
Giám đốc Cơ quan Năng lượng Hạt nhân Iran, Mohammad Eslami, ngày 27/8 khẳng định quốc gia này vẫn đang tiếp tục tiến trình làm giàu urani, dựa trên khuôn khổ pháp luật đã được Quốc hội thông qua.
Trả lời phỏng vấn về thông tin Iran đã giảm tốc độ làm giàu urani cấp độ tinh khiết 60%, ông Eslami khẳng định: “Hoạt động làm giàu hạt nhân của chúng tôi vẫn đang tiếp tục, dựa trên khuôn khổ pháp luật chiến lược.”
Tờ Wall Street Journal đầu tháng này đưa tin Iran đã làm chậm lại đáng kể tiến độ làm giàu urani 60% – mức rất gần với khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân, đồng thời cắt giảm một phần dự trữ.
Các động thái này có thể giúp Iran hạ nhiệt căng thẳng với Mỹ để nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân.
Năm 2020, Quốc hội Iran thông qua đạo luật yêu cầu Chính phủ thực hiện các biện pháp như tăng cường làm giàu urani vượt quá giới hạn quy định trong thỏa thuận hạt nhân 2015 nếu các bên còn lại không tuân thủ đầy đủ thỏa thuận.
Trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân, Iran chỉ có thể làm giàu urani ở mức 3,67%.
Tuy nhiên, năm 2021, nước này quyết định nâng mức làm giàu urani đến độ tinh khiết 60%, động thái đưa vật liệu phân hạch tới gần hơn với mức phát triển bom.
Iran liên tục bác bỏ cáo buộc nước này muốn chế tạo bom hạt nhân.
Thỏa thuận hạt nhân, tên chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), được ký hồi tháng 7/2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc – Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga – cùng với Đức), theo đó Tehran hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt.
Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt kinh tế, khiến Iran cũng giảm các cam kết của nước này trong thỏa thuận.
Các cuộc đàm phán nhằm khôi phục JCPOA đã bắt đầu vào tháng 4/2021 tại Vienna (Áo), song chưa đạt được đột phá nào sau vòng đàm phán gần đây nhất vào đầu tháng 8/2022./.