Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 63.700 ha cùng ưu thế về đất đai, khí hậu, nguồn nước, huyện Cư M’gar đi đầu về sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk. Nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, từng bước hình thành và phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung.
Mở rộng quy mô, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh
Tới trang trại hơn 5 ha của anh Nguyễn Ngọc Quý ở xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar có thể cảm nhận được quy mô đầu tư công phu. Anh Quý chia sẻ, bắt đầu trồng sầu riêng từ năm 2017, năm nay là năm thứ tư cho thu hoạch. Trồng sầu riêng khó hơn cà phê, đòi hỏi thăm vườn, theo sát thường xuyên, tìm hiểu, nâng cao kiến thức khoa học, đầu tư tốn kém hơn cà phê nhưng năng suất cao hơn, nếu làm tốt cho thu hoạch 20 tấn/ha, thu nhập khả quan hơn. Với loại cây “nắng không ưa, mưa không chịu” này, đòi hỏi chăm sóc tỉ mẩn.
Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kpam Đặng Phúc Quyền hồ hởi cho biết, giá cà phê, tiêu, sầu riêng tăng nên bà con phấn khởi. Xã định hướng tập trung phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập, hướng dẫn bà con chuyển sang canh tác sinh học, giảm thiểu hóa học để bảo đảm môi trường. Huyện thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn nông dân trồng, chăm sóc, vận chuyển, thu mua bảo đảm đạt năng suất cao, hiệu quả, các hộ cũng tích cực học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong toàn huyện. Hội Nông dân các cấp tuyên truyền vận động, hỗ trợ nông dân đăng ký thi đua và cam kết sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng, tăng cường các hình thức liên kết, hợp tác nhằm mở rộng quy mô sản xuất, phát triển mô hình kinh tế tập thể gắn kết doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo chuỗi giá trị hàng hóa có giá trị cao.
Huyện Cư M’gar có tổng diện tích tự nhiên khoảng 82.450 ha, diện tích đất đỏ bazan chiếm hơn 70%. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 63.700 ha. Trên địa bàn huyện đã hình thành được những vùng sản xuất cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả tập trung với tổng diện tích hơn 40 nghìn ha. Giá trị sản phẩm bình quân đạt 300 triệu/ha, đặc biệt một số diện tích sầu riêng cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/ha.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện CưM’gar lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chọn sản phẩm phù hợp, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm gắn với nhu cầu thị trường và kết hợp với bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Huyện đã triển khai Chương trình sản xuất kết hợp với bảo tồn nguồn tài nguyên và an sinh xã hội huyện Cư M’gar (còn gọi là Compact Cư M’gar) giai đoạn 2021-2025, xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng giúp người dân nắm rõ chất đất, lựa chọn cây trồng phù hợp, canh tác trên đất khai thác hiệu quả, xây dựng mã số vùng trồng, mã kho. Để bảo đảm quyền lợi và tăng hiệu quả, giá trị cho người sản xuất, kinh doanh sầu riêng trên địa bàn huyện, UBND huyện đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Cư M’gar” và đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học- Công nghệ cấp Giấy chứng nhận. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số cũng giúp nắm bắt rõ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ nông sản, quá trình chăm sóc, kỹ thuật trồng…, đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Xác định cà phê là cây chủ lực, huyện chú trọng phát triển theo hướng bền vững theo chuỗi giá trị, không gây mất rừng, canh tác theo phương pháp hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật để giá bán cao, xuất khẩu tới các thị trường lớn trên thế giới. Hướng đến nuôi trồng cà phê hữu cơ, thuần tự nhiên, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất xuất nhập khẩu Si Cafe chú trọng đầu tư sản xuất xanh, tuân thủ các tiêu chuẩn UTZ, VietGAP, Global GAP nhằm bảo vệ môi trường, chế biến bài bản, chuyên nghiệp theo quy trình khép kín “từ trang trại tới ly cà phê”. Cà phê sau khi thu hoạch về được sơ chế tự nhiên, rang xay, đóng gói thành phẩm. Bà Dương Nữ Thiên Nga cho biết, năm 2020 bắt đầu triển khai trồng cà phê theo năm tầng, xen lẫn một số loại cây rừng, cây ăn quả, sản lượng tăng dần, năm nay thu hoạch khoảng 12 ha. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ nhiều, để phát huy hiệu quả hơn mô hình nông nghiệp hữu cơ với quy mô lớn, mong muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, bà Nga bày tỏ.
Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã đầu tư các dự án lớn trên các lĩnh vực du lịch, phát triển nông nghiệp chất lượng cao, thương mại dịch vụ, nổi bật như Dự án Khu tổ hợp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk tại xã Ea M’Droh của Tập đoàn Hùng Nhơn và Công ty TNHH De Heus; Dự án nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu Chánh Thu Đắk Lắk với công suất 70 nghìn tấn nguyên liệu/năm quy mô 107,6 ha tại xã Ea Đrơng của Công ty Cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu; Dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Thiện Cư M’gar tại xã Ea Kpam của Tập đoàn Xuân Thiện.
Phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế
Kinh tế của huyện Cư M’gar tiếp tục duy trì phát triển ổn định; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2020-2023 đạt 9,87%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Huy động vốn đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 4,193/9,300 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động.
Chủ tịch UBND huyện Vũ Hồng Nhật chia sẻ, để làm tốt việc thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, huyện Cư M’gar quy hoạch xây dựng vùng huyện về phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2045, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030; quy hoạch xây dựng các xã đến năm 2035 và các quy hoạch chuyên ngành về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của huyện.
Trong những tháng cuối năm, huyện tiếp tục triển khai các nội dung để thực hiện tái cơ cấu sản xuất gắn với số hóa ngành nông nghiệp; chỉ đạo rà soát diện tích, đánh giá năng suất, sản lượng sầu riêng niên vụ 2024; thực hiện công tác quản lý, sử dụng hiệu quả nhãn hiệu “Sầu riêng Cư M’gar”, chứng nhận mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói gắn với đăng ký kinh doanh đối với các tổ chức, cá nhân có kho thu mua nông sản hợp pháp; triển khai xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm sầu riêng, cà phê của huyện; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tiếp cận, ứng dụng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng; thực hiện chương trình sản xuất kết hợp với bảo tồn nguồn tài nguyên và an sinh xã hội; kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, phối hợp tổ chức phòng, chống dịch kịp thời.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác hỗ trợ, tư vấn các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình OCOP, phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP huyện, phối hợp thực hiện hỗ trợ đưa lao động trẻ đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể. Đồng thời triển khai thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, đồng bộ với quy hoạch tỉnh và quy hoạch vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xã nông thôn mới với xây dựng phương án sử dụng diện tích đất do các doanh nghiệp bàn giao về địa phương quản lý để triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, tạo quỹ đất thu hút đầu tư, tạo nguồn thu ngân sách.
Nguồn: https://baodaknong.vn/huyen-cu-m-gar-day-manh-tai-co-cau-san-xuat-nong-nghiep-236763.html