Kinh tế tiếp tục khởi sắc
Nhiệm kỳ 2020-2025, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, kinh tế huyện Tuy Đức vẫn ghi nhận tăng trưởng ổn định. Tổng giá trị sản xuất tăng trưởng bình quân 11,07%/năm, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra (11%).
Trong đó, các lĩnh vực chủ lực như nông lâm – thủy sản đạt 8,26%, công nghiệp xây dựng đạt 14,91%; dịch vụ tăng trưởng ấn tượng đạt 20,16%.
Với lợi thế nông nghiệp, huyện đã tập trung phát triển các loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu và mắc ca. Nhiều diện tích nông nghiệp đạt của huyện tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, giúp nâng cao giá trị sản phẩm. Sản lượng cây lương thực có hạt ước đạt 3.792 tấn vào năm 2025, vượt chỉ tiêu đề ra 2.886 tấn.
Ngoài ra, Đảng bộ huyện đã tập trung xây dựng và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tạo lợi thế cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Đến nay, toàn huyện đã có hơn 1.456ha đất sản xuất nông nghiệp đạt các chứng nhận an toàn thực phẩm.
Bà Phan Thị Khương, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức cho biết, kinh tế nông nghiệp vẫn giữ vai trò trụ cột trong phát triển kinh tế của huyện. Đến nay, các chỉ tiêu Nghị quyết về nông nghiệp cơ bản đã đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Cùng với đó, hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh mẽ, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Đến nay, tỷ lệ đường huyện được cứng hóa đã đạt 100%, vượt xa mục tiêu đề ra.
Ngoài ra, các hạng mục thiết yếu như điện, nước sạch cũng đã đáp ứng nhu cầu sử dụng của đại đa số hộ dân, góp phần cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống người dân.
Đủ điều kiện ra khỏi huyện nghèo
Trong nhiệm kỳ, giảm nghèo luôn là ưu tiên hàng đầu của Đảng bộ huyện Tuy Đức. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm còn 18,78%, riêng tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số đã giảm xuống còn 21,56%.
Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo dự kiến giảm còn khoảng 12,78%. Đặc biệt, theo tổng điểm đánh giá của huyện hàng năm, đến cuối năm 2024, huyện đủ điều kiện đưa ra danh sách huyện nghèo của cả nước.
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các chương trình hỗ trợ sinh kế, giáo dục nghề và phát triển sản xuất đã góp phần giảm thiểu khó khăn, ổn định cuộc sống người dân.
Cụ thể, trong nhiệm kỳ, huyện đã tạo việc làm mới cho 4.897/2.500 lao động vượt chỉ tiêu nghị quyết. Huyện đã tổ chức nhiều khóa đào tạo nghề cho 1.039 người, giúp người dân nâng cao kỹ năng, từ đó có thể tìm được việc làm ổn định và nâng cao thu nhập.
Đây là kết quả cho thấy những nỗ lực của huyện trong việc hỗ trợ nhóm đối tượng này vươn lên thoát nghèo.
Các chính sách hỗ trợ sản xuất cũng được triển khai rộng rãi đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện đã được đầu tư gần 592 tỷ đồng cho các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, NTM.
Sự hỗ trợ này không chỉ giúp các hộ gia đình nghèo có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất mà còn cải thiện cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ngoài ra, huyện đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Các hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ cây giống, vật nuôi và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, chăn nuôi.
Cây mắc ca đã được đưa vào canh tác thử nghiệm tại nhiều thôn, bon với kết quả khả quan, giúp bà con có thêm thu nhập và dần thoát khỏi cảnh nghèo khó.
Một trong những giải pháp hiệu quả trong giảm nghèo tại Tuy Đức là phát triển mô hình kinh tế tập thể, đặc biệt là các HTX và THT nông nghiệp.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 27 HTX hoạt động, trong đó có nhiều hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân liên kết với nhau và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Huyện Tuy Đức đạt kết quả đáng khích lệ với tổng diện tích trồng rừng 1.687,8ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,77%, ước đến năm 2025 đạt 50,76%, vượt nghị quyết đề ra.
Sự phát triển bền vững của môi trường tự nhiên không chỉ giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên mà còn đóng góp quan trọng vào chất lượng cuộc sống của người dân địa phương.
Cùng với đó, hệ thống giáo dục, y tế của huyện Tuy Đức tiếp tục được củng cố và nâng cao về cả chất và lượng.
Xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh
Đảng bộ huyện Tuy Đức luôn đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng, củng cố tổ chức Đảng. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã kết nạp thêm 282 đảng viên, nâng tổng số đảng viên lên gần 2.000.
Các tổ chức Đảng tại cơ sở đã phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đánh dấu nhiều đột phá trong cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, thực hiện nghiêm túc công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng.
Đạt được những thành quả quan trọng này, Đảng bộ huyện Tuy Đức không chỉ hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra mà còn tạo ra nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Bà Phạm Thị Phượng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tuy Đức cho biết, đây là kết quả từ sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao và những nỗ lực không ngừng của hệ thống chính trị huyện.
Kết quả nghị quyết đã mang lại nhiều khởi sắc cho đời sống của người dân. Những kinh nghiệm và thành tựu từ nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ là động lực để Đảng bộ và Nhân dân huyện Tuy Đức vững bước trong chặng đường mới, hướng đến một tương lai phát triển bền vững và toàn diện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Tuy Đức vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong công tác nâng cao chất lượng y tế, cải thiện thu nhập cho người dân và bảo vệ tài nguyên môi trường.
Tuy nhiên, với sự đoàn kết, tinh thần quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân, huyện Tuy Đức hoàn toàn có đủ điều kiện để biến những mục tiêu đó thành hiện thực, xứng đáng là điểm sáng ở biên giới Đắk Nông.
Nguồn: https://baodaknong.vn/huyen-bien-gioi-dak-nong-dat-va-vuot-nhieu-chi-tieu-ca-nhiem-ky-234164.html