Dư nợ doanh nghiệp chiếm hơn 14%
Theo số liệu từ Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Đắk Nông, đến hết tháng 10/2024, có 807 trong tổng số 4.700 doanh nghiệp vay vốn từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh.
Nghĩa là hơn 80% doanh nghiệp trong tỉnh chưa hoặc không vay vốn ngân hàng trong tỉnh. Tổng dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp gần 7.446 tỷ đồng, chỉ chiếm 14,8% trong tổng dư nợ toàn nền kinh tế tại Đắk Nông.
Đánh giá về con số này, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Đắk Nông Phạm Thanh Tình cho hay, thực tế, cầu tín dụng, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp hiện nay giảm rất mạnh.
Nguyên nhân là do những khó khăn chung của nền kinh tế. Sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn.
Tại Đắk Nông, phần lớn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, xây lắp, phân phối hàng tiêu dùng. Hoạt động sản xuất phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh, diễn biến giá cả nông sản trên thị trường.
Một khi thị trường biến động, tình hình sản xuất của doanh nghiệp biến động theo nên thiếu sự ổn định. Chưa kể, Đắk Nông đang vướng quy hoạch bô xít, nhiều dự án chưa thể triển khai. Một khi công trình mới không phát sinh sẽ ảnh hưởng đến cho vay đối với ngành xây lắp.
Ngoài khó khăn xuất phát từ các doanh nghiệp, về phía các tổ chức tín dụng còn những hạn chế. Thực tế, các ngân hàng trên địa bàn đều là chi nhánh trực thuộc nên điều kiện, chính sách cho vay phải tuân thủ theo tiêu chí chung của hội sở chính.
“Nguồn vốn huy động tại chỗ của các tổ chức tín dụng tại Đắk Nông chỉ đáp ứng bình quân khoảng 41,98% tổng dư nợ. Muốn cho vay, ngân hàng thương mại buộc phải nhận vốn điều hòa từ Trung ương, với chi phí khá cao, gây ảnh hưởng đến việc giảm lãi suất cho vay”, ông Tình nhấn mạnh.
Theo ông Tình, hiện nay, nguồn vốn cho vay tại các tổ chức tín dụng luôn sẵn có. Thậm chí, nhiều ngân hàng còn dư vốn, nhưng tăng trưởng tín dụng rất chậm.
Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp tại địa bàn đang rơi vào tình trạng khát vốn. Tuy nhiên, giữa ngân hàng và doanh nghiệp vẫn chưa tìm được tiếng nói chung nên việc tăng trưởng tín dụng khá khó khăn.
“Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, điều kiện tất yếu cuối cùng cũng là lợi nhuận. Muốn cho vay, họ cũng phải xét đủ nhiều yếu tố. Trong khi, chất lượng doanh nghiệp tại địa bàn còn nhiều vấn đề phải bàn”, ông Tình nhận định.
Thực tế, trong tổng số 4.700 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, hiện chỉ có khoảng gần 3.200 doanh nghiệp có phát sinh thuế. Đây cũng là vấn đề đòi hỏi các tổ chức tín dụng lưu tâm khi rà soát cho vay.
Trong tổng số 807 doanh nghiệp tại Đắk Nông vay vốn, có 803 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, với dư nợ 7.153 tỷ đồng; 4 doanh nghiệp Nhà nước, với dư nợ 293 tỷ đồng. Lãi suất cho vay khách hàng doanh nghiệp tại Đắk Nông đa phần dao động từ 9%/năm trở xuống (chiếm 97,38%).
Ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế
Sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp kém, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động gia tăng. Từ đây, hoạt động tăng trưởng kinh tế và nhiều lĩnh vực khác sẽ bị tác động.
Theo Sở KH-ĐT tỉnh Đắk Nông, trong năm 2024, toàn tỉnh có khoảng 576 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 79,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số doanh nghiệp giải thể cũng tăng không kém.
Toàn tỉnh có 125 doanh nghiệp giải thể, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023; 249 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, tăng 39% so với cùng kỳ.
“Doanh nghiệp hoạt động kém, giải thể gia tăng sẽ dẫn đến tăng tỷ lệ thất nghiệp, bất ổn kinh tế – xã hội. Hơn nữa, giải thể doanh nghiệp sẽ làm giảm sự cạnh tranh trong nền kinh tế, giảm động lực cho sự đổi mới và cải tiến”, Giám đốc Sở KH-ĐT Trần Đình Ninh cho biết.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông, sức hấp thụ vốn của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do “sức khỏe” của doanh nghiệp.
Đa số doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, tài sản đảm bảo ít hoặc không có tài sản bảo đảm nên rất khó tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng.
Thời gian qua, Nhà nước đã triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế, tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, sức hấp thụ vốn còn khiêm tốn. Lý do chủ yếu là các gói vay ưu đãi thường yêu cầu các điều kiện khá nghiêm ngặt nên doanh nghiệp cũng ngại tiếp cận.
Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, trong bối cảnh hiện nay, để tìm được khách hàng tốt cho vay là không dễ dàng. Những doanh nghiệp ngân hàng muốn cho vay lại không có nhu cầu do đầu ra hạn chế.
Nghẽn dòng tiền, không tiếp cận được vốn là trạng thái chung của rất nhiều doanh nghiệp. Do vậy, ngoài các giải pháp, chính sách từ ngành ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ chính sách của địa phương. Thông qua chính sách, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.
Việc đẩy mạnh hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án đầu tư; tăng cường minh bạch hóa tài chính doanh nghiệp cần nâng cao hơn. Bởi đây là cơ sở để ngân hàng tiếp cận, thẩm định, cấp tín dụng đối với khách hàng tốt, các dự án khả thi, đầy đủ pháp lý.
Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước Đắk Nông, đến ngày 31/10 tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng gần 50.311 tỷ đồng, tăng 10,93% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ ngắn hạn đạt 33.073 tỷ đồng, chiếm 68% tổng dư nợ.
Nguồn: https://baodaknong.vn/hon-80-doanh-nghiep-dak-nong-chua-vay-ngan-hang-mung-hay-lo-234817.html