Mấy ngày nay, nhiều phụ huynh trên địa bàn Đắk Lắk “sốc” khi nhận tin con mình không đậu lớp 10 THPT dù điểm khá cao. Bất cập trên xuất phát từ cơ chế xét tuyển theo tuyến, điểm, khiến mỗi học sinh chỉ được nộp hồ sơ vào 1 trường.
Lo lắng tìm trường cho con
Biết tin không trúng tuyển lớp 10 Trường THPT Lê Quý Đôn (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), em Mai Phước Thắng (phường Tân Hòa) rất buồn. Ngôi trường này anh trai Thắng đang học và em cũng dự tuyển đúng tuyến theo quy định.
“Em rất bất ngờ khi Trường THPT Lê Quý Đôn lấy điểm đầu vào cao hơn các năm trước. Khi biết điểm, mẹ em đã rút hồ sơ để nộp sang trường công lập khác nhưng không được. Mẹ xin cho em học trường tư nhưng học phí cao lắm”, Thắng ngậm ngùi.
Phụ huynh đi xem điểm vào lớp 10 THPT |
Nhắc chuyện tìm trường học cho con, bà Lê Thị Hơn (mẹ Thắng) bật khóc. Trong căn phòng trọ nhỏ, bà Hơn tâm sự: “Học phí trường tư 1,5 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản chi phí khác là quá khả năng của tôi. Mỗi tháng, lương của tôi chỉ từ 3-4 triệu đồng, nhưng phải lo tiền trọ, nuôi 2 con ăn học… Nhìn con rất muốn học, tôi chỉ biết cố được đến đâu hay đến đấy”, bà Hơn nói.
Bà Hơn lo lắng về khoản chi phí khi con học trường dân lập |
Ông Phan Văn Cường (phường Tân Hòa) cho hay: “Cơ chế học sinh chỉ được dự tuyển 1 trường, đúng tuyến rất bất cập. Con gái tôi 4 năm đạt học sinh tiên tiến, tổng 36 điểm nhưng không đậu lớp 10 theo trường đúng tuyến, nộp các trường khác cũng không được. Nhưng nhiều trường hợp khác thấp điểm hơn vẫn đậu trường công. Tôi kiến nghị phải thay đổi cơ chế tuyển sinh để học sinh có nhiều lựa chọn phù hợp năng lực, hoàn cảnh”, ông Cường nói.
Bất cập trong tuyển sinh
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, năm học này 29.702 học sinh tốt nghiệp THCS. Số học sinh trúng tuyển vào lớp 10 (công lập và tư thục) đạt tỷ lệ 77,73%. Hiện có hơn 6.000 học sinh chưa trúng tuyển vào lớp 10 THPT. Theo khảo sát của Sở GD&ĐT, chỉ tiêu và khả năng tuyển sinh vào lớp 10 hệ GDTX của các trung tâm GDNN-GDTX, các trường trung cấp, cao đẳng nghề trên địa bàn khoảng hơn 4.000 học viên.
Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết, tuyển sinh lớp 10 THPT được thực hiện theo chương trình Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025 (Đề án 522). Theo đó, 70% học sinh sau tốt nghiệp THCS sẽ vào THPT, còn lại học chương trình nghề kết hợp văn hóa.
Về việc tuyển sinh lớp 10 theo hình thức xét tuyển, phân tuyến theo địa bàn, khiến học sinh chỉ được lựa chọn 1 trường, ông Hiệp thừa nhận có bất cập. Theo ông Hiệp, phương thức tuyển sinh trên tạo điều kiện cho học sinh được học tập trên địa bàn nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế: Học sinh tốt nghiệp THCS không có cơ hội để chọn trường THPT trên địa bàn vì đã được phân tuyến; kết quả kiểm tra, đánh giá kết quả học lực, hạnh kiểm giữa các trường THCS không đồng đều nên khó khăn trong xét tuyển…
Hình thức xét tuyển nhiều bất cập |
Sở GD&ĐT đã đề xuất UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức thi tuyển toàn tỉnh nhưng đến nay chưa được xem xét, cho triển khai. Ngoài ra, sở cũng kiến nghị củng cố, sắp xếp mạng lưới trường, lớp, biên chế giáo viên; tăng cường xã hội hóa giáo dục để tăng cơ hội, tạo điều kiện cho học sinh vào học THPT; nâng cao năng lực các trường trung cấp, cao đẳng nghề để thu hút học sinh sau tốt nghiệp THCS, tạo cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Vừa học nghề, vừa học văn hóa
Tiến sỹ Hoàng Minh Cương – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đắk Lắk (sáp nhập Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên và Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk), cho biết, trường nghề đang được nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THCS hoặc THPT lựa chọn. Tại trường đang đào tạo 18 ngành nghề trình độ cao đẳng, 20 trung cấp, 21 sơ cấp, với những nghề được giới trẻ lựa chọn như Công nghệ ô tô, Công nghệ kỹ thuật điện tử…
Học sinh tham gia học nghề |
Học sinh đã tốt nghiệp THPT sẽ được học hệ cao đẳng, hoàn thành khóa học sẽ được cấp bằng kỹ sư thực hành chuyên ngành cùng cơ hội liên thông lên đại học và sau đại học.
Học sinh có bằng THCS thì học chương trình trung cấp + 4 môn văn hóa phổ thông hoặc chương trình 9+ (trung cấp và 7 môn văn hóa GDTX, sau này được thi THPT cấp quốc gia).
Những em không đậu tốt nghiệp THPT hoặc học chương trình trung cấp + 4 môn văn hóa, đều được cấp giấy chứng nhận học xong chương trình văn hóa phổ thông và được liên thông lên cao đẳng.
“Đây là trường công lập, tất cả người học đều được đảm bảo chế độ chính sách theo quy định (Nội trú, miễn giảm học phí, chính sách học bổng), nhất là con em người DTTS, gia đình chính sách, hộ nghèo…”, ông Cương thông tin.