Hồi tháng 6, Bộ Thương mại Mỹ bắt đầu nhận đơn xin hưởng trợ cấp cho ngành sản xuất bán dẫn và thiết bị, vật liệu phục vụ ngành này, tuy nhiên, cho đến nay, chưa có khoản nào được giải ngân.
Tổng thống Joe Biden phát biểu tại lễ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất chất bán dẫn của Tập đoàn Intel ở New Albany, bang Ohio, Mỹ, ngày 9/9/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bộ Thương mại Mỹ thông báo đã có hơn 460 công ty bày tỏ nguyện vọng được hưởng khoản trợ cấp của chính phủ nước này dành cho ngành sản xuất bán dẫn trong nỗ tăng cường khả năng cạnh tranh với các công ty nước ngoài.
Thông báo được đưa ra ngày 9/8, đúng 1 năm sau ngày Tổng thống Joe Biden ký ban hành Đạo luật CHIPS và Khoa học, trong đó khoản trợ cấp 52,7 tỷ USD cho hoạt động sản xuất, nghiên cứu và phát triển lực lượng lao động ngành bán dẫn.
Chia sẻ với báo giới, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đẩy nhanh tốc độ xử lý và thực hiện phân bổ phù hợp, đúng đối tượng doanh nghiệp để gói hỗ trợ này đạt hiệu quả cao nhất.
Hồi tháng 6, Bộ Thương mại Mỹ đã bắt đầu nhận đơn xin hưởng trợ cấp trong khoản trợ cấp 39 tỷ USD dành cho ngành sản xuất bán dẫn và thiết bị, vật liệu phục vụ ngành này. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có khoản nào được giải ngân.
Ngày 9/8/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật Đạo luật CHIPS và Khoa học với tổng số tiền được phân bổ là 280 tỷ USD, trong đó dành riêng 52 tỷ USD để thúc đẩy hoạt động sản xuất chip tại Mỹ. Đây là một chiến lược rất quan trọng để Mỹ giành lại vị thế vốn có trong ngành sản xuất chất bán dẫn.
Đạo luật này cũng nghiêm cấm thực hiện những giao dịch quan trọng liên quan tới việc mở rộng năng lực sản xuất chip tiên tiến tại những quốc gia mà Mỹ cho là “gây quan ngại”./.