Anh Phạm Văn Thi từ Bình Phước đến thôn 9, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) lập nghiệp với 3 ha đất. Buổi đầu khởi nghiệp anh trồng cao su, cà phê và áp dụng lối canh tác truyền thống, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng.
Năm 2013, anh Thi tiếp cận với cách chăm sóc cây trồng theo hướng sinh học và anh bắt đầu áp dụng vào sản xuất. Cũng từ đây anh Thi bắt đầu thay đổi lối canh tác theo hướng nương tự nhiên.
Anh Thi giải thích, canh tác theo hướng nương tự nhiên hiểu đơn giản là hạn chế tối đa những tác động của con người lên đất, cây trồng để cây tự vươn chồi nảy lộc, rồi đơm hoa kết trái theo chu kỳ phát triển tự nhiên.
Để xây dựng mô hình này, anh Thi đã thiết kế vườn cây với nhiều tầng tán, chú trọng đa dạng sinh học và tuân thủ chặt chẽ các điều kiện tự nhiên và địa lý của khu vực để biến khu vườn thành một hệ sinh thái thu nhỏ bền vững.
Cụ thể, trên 3 ha đất, anh Thi trồng 1.000 cây cà phê, 200 trụ hồ tiêu, 200 cây bơ, 20 cây sầu riêng… Các loại cây này được bố trí hợp lý để khai thác hiệu quả không gian tầng tán.
Cùng với đó, anh canh tác nương tự nhiên khi không thực hiện việc cày xới đất. Vì theo anh Thi, nếu tác động vào đất sẽ gây ảnh hưởng hệ sinh thái trong đất, làm biến đổi sự cân bằng vốn có.
Anh Thi cho biết thêm, cây trong vườn ra hoa đậu quả tự nhiên theo mùa mà không cần kích thích, không sử dụng thuốc sâu, thuốc trừ bệnh và các chất kích thích sinh trưởng.
Vườn cây anh để cỏ mọc tự nhiên, rồi cắt bỏ. Anh bón phân bò và bổ sung thêm NPK cho vườn cây. Anh hạn chế thấp nhất sử dụng phân bón hóa học và tăng cường phân bón vi sinh, phân hữu cơ cho cây trồng. Những trái cây và lá cây rụng anh không cần dọn mà để chúng tự tiêu hủy, trở thành dinh dưỡng cho đất.
Cách làm của anh Thi ngoài việc trồng và chăm sóc cây, việc nuôi dưỡng đất được anh đặc biệt quan tâm. Anh nuôi dưỡng đất trồng trước khi nuôi cây. Đối với sản xuất nông nghiệp truyền thống, nông dân thường chú trọng chăm sóc cây trồng trước, ít quan tâm đến đất, thậm chí lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật làm thoái hóa đất. Còn đối với anh Thi, các chất thải hữu cơ, cỏ, rác, cành, lá cây được anh phủ lên mặt đất, tạo môi trường cho các sinh vật có lợi phát triển.
Theo anh Thi, khi đất đủ dưỡng chất cung cấp thì ắt cây tự khỏe mạnh, giúp gốc phát triển vững chắc, cành khỏe, lá to. Đất tốt, cây hấp thụ đủ chất cây sẽ phát triển tốt tăng độ chắc chắn cho thân và cành, hạn chế sâu bệnh. Canh tác nông nghiệp theo phương pháp thuận tự nhiên sẽ bền vững, mang đến nhiều nguồn thực phẩm “an toàn, sạch, lành tính”.
Sau khi thay đổi cách canh tác, để khách hàng tiếp cận với sản phẩm do mô hình này tạo ra, anh Thi đã sử dụng facebook để quay lại quá trình mình sản xuất, đăng tải và khi có cây trồng nào thu hoạch thì làm clip… rồi nhận đơn, đóng gói và gửi đến tận tay khách hàng. Vụ vừa rồi, anh bán sầu riêng với giá 70.000 đồng/kg, bơ giá 15.000 – 20.000 đồng/kg.
Hiện nay, 1.000 cây cà phê cho thu hoạch 2,5 tấn; 200 cây bơ cho thu hoạch khoảng 2 tấn quả; 50 cây sầu riêng cho thu hoạch 3 tấn quả. Bơ, sầu riêng những vụ gần đây đều được anh Thi bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng qua đơn đặt hàng.
Vườn cây của anh Thi đang cho thu hoạch ngày càng tăng trong khi chi phí sản xuất ngày càng giảm. Lượng phân chuồng giảm, thuốc phòng trừ sâu bệnh không sử dụng, chi phí tưới nước cho mùa khô giảm 50% số lần tưới so với người dân tại địa phương.
Ngoài những loại cây trồng chính này, anh Thi cho biết, nguồn thu còn đến từ chuối trồng ở những vùng đất dốc, ớt trồng khắp vườn để khai thác không gian đất…. Cùng với đó, anh Thi còn áp dụng chế biến cà phê chất lượng cao, rang xay cà phê bột…
Nguồn: https://baodaknong.vn/hieu-qua-cua-trong-cay-nuong-tu-nhien-o-dak-nong-228817.html