– Chúc mừng ông chủ trẻ. Vậy là yên tâm chuẩn bị đón năm mới rồi nhé. Công nhận các loại nông sản ở trang trại của cậu ngon, sạch, an toàn, giá lại hợp lý nên bán đến đâu là hết đến đấy, nhiều lúc còn không đủ ấy chứ. Cho tớ bắt tay một cái lấy may, làm ăn thuận lợi, hanh thông như cậu nhé.
Tuấn ngượng ngùng. Ai cũng bảo lúc anh trình bày một vấn đề, bảo vệ quan điểm hay hướng dẫn bà con học tập những kinh nghiệm mới thì mạnh dạn, tự tin, hùng hồn lắm, mà cứ được ai khen lại bẽn lẽn, ngại ngùng như con gái. Anh đưa tầm mắt hướng về khoảng xanh mênh mông kéo dài như vô tận trước mặt, ngắm nhìn những ngọn đồi nối đuôi nhau chạy xa tít tắp, lắng nghe tiếng cười nói rộn ràng của các chàng trai, cô gái, tiếng hát tha thiết của các mẹ, các chị vọng lại rồi mới nhẹ nhàng đáp lời anh tài xế:
– Em có phải ông chủ trẻ gì đâu, anh nói thế em ngại lắm. Tất cả là của bà con đấy chứ. Không có mọi người, em sao mà làm được.
Anh tài xế vỗ vai Tuấn:
– Tớ mới thấy cậu trên ti vi, khen cậu giỏi là không quá tí nào cả. Cứ nhìn thì biết, sự đổi thay của cả vùng này có công đóng góp không nhỏ của cậu chứ ai. Thôi, tớ chạy cho kịp chuyến, hẹn cậu ít nữa tớ lên chở dưa phục vụ mấy ngày tết nhé.
Xe nổ máy, để lại sau lưng vệt bụi đỏ bay lơ lửng trong không khí. Tuấn xuống thăm khu nhà kính trồng dưa, kiểm tra xem có kịp cho thị trường mùa tết không. Giống dưa hoàng kim có màu vàng rực rỡ, người dân thích mua để trưng vào dịp tết, cầu mong một năm may mắn, sung túc, đủ đầy. Vừa đi, anh vừa nhẩm tính số tiền thu được của đợt này. Khuôn mặt anh rạng rỡ hẳn lên. Năm nay nông sản được giá, chỗ anh lại áp dụng các biện pháp chăm sóc mới theo hướng dẫn nên đạt sản lượng cao. Vậy là mọi người có một mùa ấm no, sung túc rồi. Lại còn những rẫy cà phê chín đỏ đang thu nữa, đàn heo xuất chuồng đúng dịp tết. Mấy hôm trước, anh Tình gặp Tuấn còn vui vẻ khoe anh đã đặt cọc mua thêm gần một ha rẫy, thu vụ cà phê năm nay nữa là đủ tiền, không cần vay mượn thêm. Mua thêm được rẫy, cho ba đứa con đi học đầy đủ, tất cả là nhờ công của chú Tuấn.
Nhìn những căn nhà khang trang, những vườn cây xanh tốt, nhiều lúc nhớ lại, Tuấn cứ ngỡ như một giấc mơ. Học xong cấp ba, Tuấn xung phong tham gia nghĩa vụ quân sự. Hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, Tuấn thi đậu đại học. Ra trường, đi làm với mức lương khá cao ở một thành phố lớn, so với bạn bè cùng trang lứa, Tuấn được coi như một người thành công. Nhưng mỗi lần về thăm nhà, nhìn những ngôi nhà cũ kỹ, những con đường chẳng đổi thay nhiều sau ngần ấy năm, anh thoáng chạnh lòng. Người dân nơi này đều chịu thương chịu khó, hay lam hay làm mà sao mãi chẳng thấy khá lên. Nhiều khi bố mẹ gọi điện, kể cho anh nghe chuyện làng, chuyện bon mà anh thấy lòng nặng trĩu. Con bé Lan học giỏi nhất xã, thi đậu đại học mà đành nghỉ đi làm thuê nuôi em. Bố nó mất sớm, một mình mẹ nó cặm cụi trên mấy sào rẫy chẳng thể nào lo đủ cho ba đứa con nheo nhóc. Và bao nhiêu đứa trẻ nữa đành gác lại ước mơ chỉ bởi nghèo.
Nhất là mỗi dịp về nhà sum vầy đón năm mới, nhìn đàn ông trai tráng, thanh niên ăn tết xong lại rủ nhau khăn gói lên thành phố làm công nhân, đi làm thuê ở các tỉnh khác, anh suy nghĩ hàng tháng trời. Anh hỏi bạn, ở quê mình có sẵn đất đai, vườn tược, sao không làm mà phải đi làm thuê ở các tỉnh khác. Người bạn thân khoác vai Tuấn, bảo anh đúng học sinh giỏi, suốt ngày vùi đầu vào sách vở, học xong cấp ba lại đi bộ đội luôn nên chẳng hiểu gì. Chỗ mình đất rộng, bà con trồng nhiều cà phê và tiêu. Nhưng tiêu thì khó trồng, hay chết bệnh, có nhà chăm sóc tưởng như sắp được thu hoạch đến nơi thì tiêu thối gốc chết cả loạt, rồi thì trồng lúc tiêu đang sốt, đợi đến khi thu hoạch thì giá lại giảm. Cà phê dễ trồng, dễ chăm hơn nhưng năng suất thấp, giá lại bấp bênh. Cả năm chỉ trông chờ đến mùa thu hoạch mà nào tiền công, tiền tưới, tiền phân bón. Vậy nên thanh niên đành rủ nhau đi làm thuê, làm mướn, tiết kiệm được đồng nào thì gửi về cho bố mẹ, vợ con trang trải. Cũng là cực chẳng đã. Nhiều đứa ở nhà ngoan ngoãn là thế, xa gia đình bị lôi kéo trở nên hư hỏng, nghiện hút. Nếu có thể ở gần nhà mà vẫn làm đủ ăn, khấm khá thì chẳng ai muốn đi xa làm gì. Mà cũng lạ, cùng là đất đỏ bazan, cũng là làm rẫy mà vùng bên cạnh họ làm giàu, xây được nhà to, có nhà còn mua cả ô tô, chỉ có chỗ mình là vẫn lẹt đẹt mãi. Hôm nọ xem ti vi thấy lãnh đạo tỉnh phát biểu là phải thoát nghèo từ tư tưởng mà tao cũng chưa hiểu lắm, mày học cao hơn, thử giải thích cho mọi người xem, biết đâu lại giúp được mọi người.
Ngày Tuấn quyết định nghỉ việc trở về quê nhà, ai cũng nói Tuấn là kẻ mộng mơ, không biết lượng sức mình. Chỉ có bố mẹ là ủng hộ anh. Bố anh, người nông dân hiền lành, chất phác đã giao lại cuốn sổ bố chắt chiu, tích cóp cả một đời để anh làm vốn. Ông bảo, làm cái gì cũng phải học, trước khi bắt tay làm con phải học từ những người xung quanh, từ các vùng lân cận, học ở những nơi đã thành công. Đất không bao giờ phụ công người, mỗi giọt mồ hôi đổ xuống đất đều sẽ trả lại cho người những điều tương xứng nếu làm đúng cách.
Tuấn đã cùng bố mẹ bắt tay cải tạo hơn hai ha rẫy của gia đình theo hướng hữu cơ, bảo vệ môi trường. Mẹ anh bảo, từ ngàn đời nay, dân mình cứ thuận theo tự nhiên mà sống, mà sản xuất thì được an lành, bình yên. Đừng đi ngược lại với tự nhiên, bắt thiên nhiên phải gánh chịu sự tham lam, đòi hỏi lợi nhuận tuyệt đối mà vắt kiệt đất đai, sông suối. Tuấn trồng thêm cây rừng che bóng, chắn gió cho cà phê, tiêu. Học hỏi được từ các đợt tập huấn nông nghiệp, anh trồng thêm mắc ca, sầu riêng, bơ… Rồi thì chuối, cam canh xen kẽ. Dưới các bồn cây, anh trồng thêm rau, thả dây bầu, dây bí, trồng cỏ vetiver (loại cỏ có tác dụng cải tạo đất, chống rửa trôi và xói mòn). Nhờ vậy mà anh không phải sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Rễ cỏ vetiver lấy nước từ tầng sâu bổ sung cho cây trong vườn, chống xói mòn đất, lúc già lại ủ làm phân bón. Chuối vừa cho quả, vừa lấy thân ủ làm phân vi sinh. Mảnh rẫy của gia đình anh chẳng khác nào một cánh rừng thu nhỏ, xanh mát và cho thu hoạch quanh năm, mùa nào thức nấy. Lúc đầu, anh phải đi giao từng bó rau, từng nải chuối, ký cam, tiền bán không bằng tiền ship. Nhưng bố mẹ anh không chê mà còn động viên, phải từ ít mới có nhiều, phải từ một người thấy bảo đảm sẽ giới thiệu cho nhiều người. Lúc nào cũng phải trân trọng những người đầu tiên đã tin tưởng mà mua hàng của mình.
Mảnh rẫy của gia đình cho quả ngọt, anh vận động bà con làm theo. Trăm nghe không bằng mắt thấy, từ hai ha rẫy của nhà anh, người có vài sào đến người có vài ha cùng học theo. Rồi hợp tác xã được thành lập. Từ rau sạch, cam sạch, trái cây sạch, cà phê sạch, ca cao sạch, Tuấn cùng các bạn đầu tư dây chuyền sản xuất cà phê khép kín. Bạn anh ở thành phố liên kết mở các quán cà phê vừa phục vụ khách thưởng thức, vừa giới thiệu sản phẩm cho những người có nhu cầu mua làm qua biếu, quà tặng. Lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã có dịp đi công tác cũng mang sản phẩm đi giới thiệu. Cán bộ nông nghiệp học tập được điều gì mới lại xuống tập huấn lại cho Tuấn và bà con. Hết trồng trọt lại đến chăn nuôi, heo, gà, cá từ trang trại của cả xã đã có mặt tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch khắp các huyện, thành phố trong tỉnh.
Tiếng cười nói rộn ràng vang lên trong các nhà kính trồng dưa. Tuấn bước vào. Những trái dưa như những chú heo con vàng rực chờ ngày thu hoạch. Thấy Tuấn đến, con bé Liên ríu rít. Con bé học trường nội trú của tỉnh, cuối tuần được nghỉ về thăm nhà, nằng nặc đòi theo mẹ đi tưới dưa để gặp chú Tuấn. Nó khoe hôm trước cùng các bạn đi mua đồ nấu ăn liên hoan, thấy gói nấm, rau, gà và hộp ca cao của hợp tác xã, nó khoe các bạn cùng lớp. Bạn nó hỏi sao chú Tuấn không mở mấy buổi hướng dẫn làm ca cao, làm sô cô la, làm bánh từ các sản phẩm của hợp tác xã. Chắc chắn mọi người sẽ đăng ký tham gia rất đông. Ai mà chẳng muốn tự tay làm được một chiếc bánh hay một thanh sô cô la tặng người mình yêu mến. Rồi chẳng chờ Tuấn trả lời, nó đã khoe luôn ra tết chị Lan sẽ đi thực tập tại chính trường nó. Chị mà được phân công dạy lớp nó, chắc nó sẽ bối rối, lúc thưa chị, lúc thưa cô mất. Nó phải tập dần cho quen để không làm ảnh hưởng đến tiết dạy của chị. Rồi nó lại kể kế hoạch của nó, sang năm cháu sẽ thi Học viện Nông nghiệp. Học về, chú Tuấn cho cháu làm việc ở hợp tác xã của mình nhé.
Câu chuyện hồn nhiên của con bé Liên cứ tiếp nối và theo chân Tuấn qua các rẫy cà phê đang chín đỏ, qua vườn xoài ươm vàng, sang trang trại heo chờ xuất thịt cho thị trường tết. Những mùa quả ngọt nối tiếp nhau trên mảnh đất quê hương. Đất không phụ công người. Mồ hôi đổ xuống ươm xanh những hy vọng trải dài bất tận, vươn xa mãi theo những ước mong hồn nhiên mà con bé Liên cùng bạn bè và những người trẻ trên mảnh đất này đang theo anh bước tiếp.
Nguồn: https://baodaknong.vn/hi-vong-xanh-238613.html