Đầu năm nay, Hàn Quốc đã chỉ định ngày 13/8 Âm lịch, 2 ngày trước kỳ nghỉ Lễ Trung Thu (Chuseok) là ngày kỷ niệm các gia đình ly tán nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.
Công dân Triều Tiên Kim Byeongo-sun (trái), 88 tuổi, đoàn tụ với em gái sống ở Hàn Quốc Soon-ok, 81 tuổi, tại sự kiện đoàn tụ các gia đình ly tán trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) ở Khu nghỉ dưỡng núi Kumgang tháng 8/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân kỷ niệm Ngày Gia đình Ly tán 27/9, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kim Yung-ho đã “mạnh mẽ” kêu gọi Triều Tiên đáp lại đề nghị của Seoul về việc đàm phán tổ chức đợt đoàn tụ cho thành viên các gia đình bị ly tán bởi Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Đầu năm nay, Hàn Quốc đã chỉ định ngày 13/8 Âm lịch, 2 ngày trước kỳ nghỉ Lễ Trung Thu (Chuseok) là ngày kỷ niệm các gia đình ly tán nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.
Kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh mang tính bước ngoặt năm 2000, hai miền Triều Tiên đã tổ chức được 13 đợt đoàn tụ, tạo điều kiện gặp gỡ cho hơn 20.000 thành viên các gia đình ly tán.
Theo thông lệ, hai miền Triều Tiên thường tổ chức các đợt đoàn tụ gia đình ly tán vào dịp Lễ Chuseok. Đây là kỳ nghỉ lễ lớn nhất được cả hai nước tổ chức.
Lần gần đây nhất hai bên tổ chức các cuộc đoàn tụ gia đình ly tán là vào năm 2018.
Tháng 9/2022, Hàn Quốc đề xuất đàm phán với Triều Tiên về việc tổ chức các đợt đoàn tụ cho thành viên các gia đinh ly tán. Đây được xem là vấn đề nhân đạo cấp bách vì hầu hết các đối tượng ly tán đều ở độ tuổi 70 và 80 và mong muốn được gặp lại người thân đã thất lạc từ lâu trước khi họ qua đời.
Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn giữ im lặng trước đề nghị của Hàn Quốc và cắt đứt các kênh liên lạc liên Triều trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang trên bán đảo Triều Tiên.
Tại Hàn Quốc, khoảng 133.700 người đã nộp đơn xin được đoàn tụ với thân nhân ở Triều Tiên. Theo Bộ Thống nhất, hơn 93.000 người trong số họ đã chết. Không có phương tiện liên lạc trực tiếp nào giữa người dân của hai nước./.