Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, để đạt tăng trưởng 8% trở lên thì quy mô nền kinh tế của Hà Nội năm 2025 phải đạt quy mô 1,6 triệu tỷ đồng (tăng khoảng 130.000 tỷ đồng so với năm 2024), chiếm khoảng 12,6% GDP cả nước.
Sáng ngày 21/2, Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các Phó Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự có lãnh đạo các Bộ, ngành và 63 địa phương tại các đầu cầu trực tuyến.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, từ điểm cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, để đạt tăng trưởng 8% trở lên thì quy mô nền kinh tế của Hà Nội năm 2025 phải đạt quy mô 1,6 triệu tỷ đồng (tăng khoảng 130.000 tỷ đồng so với năm 2024), chiếm khoảng 12,6% GDP cả nước.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt khoảng 622.7000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu tăng 7% đạt hơn 20 tỷ USD. Đến ngày 20/2, TP. Hà Nội đã thu được là 171.000 tỷ đồng ngân sách và đạt 34 % kế hoạch dự toán năm 2025.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, Hà Nội sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết phải khai thác, phát huy các động lực và nguồn lực truyền thống. Về nguồn đầu tư công, Hà Nội phấn đấu khoảng giải ngân 87.000 tỷ đồng trong kế hoạch, đặc biệt tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông lớn như cầu, đường sắt đô thị; tiếp tục rà soát khoảng 200 dự án chậm triển khai.
Thứ hai là cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tư nhân, làm sao đảm bảo thu hút vốn qua ngân sách nhà nước tăng trên 18%; nộp ngân sách 360.000 tỷ đồng và vốn đầu tư FDI thì khoảng 3 tỷ USD; thành lập mới khoảng 30.000 doanh nghiệp và vốn đăng ký là trên 300.000 tỷ đồng; tập trung vào hạ tầng điện, đảm bảo năng lượng sản xuất, tiêu dùng; tăng trưởng ngành nông nghiệp trên 7%; phấn đấu có khoảng 190 sản phẩm và 120 doanh nghiệp được công nhận là công nghiệp chủ lực.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp kích cầu tiêu dùng; phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 14 %, giá trị ngành vận tải logistics tăng trên 7,7% và tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch mới đặc sắc để có thể tăng doanh thu du lịch trên 13 %.
Hà Nội tập trung phát triển các động lực tăng trưởng mới, toàn diện. Thành phố cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với những nội dung trọng tâm trước mắt cũng như dài hạn như: Phấn đấu tỷ lệ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là trên 50 %, tức là khoảng 150.000/210.000 doanh nghiệp đang hoạt động; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ nâng cao năng lực sản xuất;
Phát triển hơn 200 đơn vị được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ. Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế sáng tạo, phấn đấu 2025, tỉ trọng kinh tế số của Hà Nội đạt trên 20 tỷ USD (năm 2024 là 14 tỷ USD); lập thêm các khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao…
Ngoài ra, Thành phố tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án, chương trình phát triển các mô hình tăng trưởng mới như: Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đô thị, kinh tế chia sẻ; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, đặc biệt là các vấn đề mà Quốc hội, Trung ương đã giao trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, trong đó có Luật Thủ đô.
Đặc biệt các một số nghị quyết cá biệt giao triển khai cụ thể tới đây và tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền xuống cho cấp huyện, thị. Thực tiễn chứng minh việc phân cấp, phân quyền này đang đi vào cuộc sống nhanh hơn.
Nguồn: https://baodaknong.vn/ha-noi-tap-trung-phat-trien-cac-dong-luc-tang-truong-moi-toan-dien-243499.html