Các chuyên gia, nhà quản lý trong nước, quốc tế và hàng chục hiến kế dưới góc nhìn đa chiều, hướng tiếp cận đa ngành, các luận cứ khoa học được thảo luận, phân tích nhằm gợi mở định hướng, giải pháp phù hợp để thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa.
Sáng 18/12, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt phối hợp Báo Tuổi trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”. Đây là một trong các chương trình chính thuộc khuôn khổ Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 10 năm 2024.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt Đặng Quang Tú cho biết, các giá trị mới của phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa đã được nhiều tổ chức quốc tế nghiên cứu. Những giá trị này đã được cộng đồng du lịch tiếp cận và phát triển ngày càng sâu rộng.
Ông kỳ vọng, qua hội thảo, dưới góc nhìn đa chiều, hướng tiếp cận đa ngành, các tư liệu, luận cứ khoa học được thảo luận, phân tích để làm sáng tỏ vai trò, giá trị của tài nguyên thiên nhiên, tính đa dạng sinh học, văn hóa địa phương để đưa ra những sáng kiến, định hướng, giải pháp phù hợp với đặc thù địa phương, hướng đến xây dựng Đà Lạt trở thành hình mẫu tiêu biểu về tăng trưởng xanh, thành phố du lịch-dịch vụ hiện đại và thực hiện các cam kết thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa địa phương.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế đã trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp cụ thể để tiếp tục phát triển du lịch Đà Lạt theo hướng du lịch xanh, phát triển bền vững, từng bước đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế gắn với phát triển du lịch địa phương và phát triển các sản phẩm du lịch âm nhạc dựa trên thế mạnh danh hiệu Thành phố sáng tạo âm nhạc UNESCO.
Cụ thể như mô hình xây dựng nền công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên và văn hoá địa phương ở các quốc gia trong khu vực như Sigapore, Thái Lan; tài chính xanh cho sàn giao dịch hoa phát triển bền vững và chủ động hội nhập quốc tế; câu chuyện về vận hành và phát triển thành phố sáng tạo âm nhạc; xây dựng và phát triển nền công nghiệp văn hóa tại Việt Nam và Đà Lạt…
Đồng thời, qua hội thảo để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của thành phố ngàn hoa nhằm kêu gọi và thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, văn hóa, âm nhạc, góp phần xây dựng Đà Lạt trở thành điểm đến du lịch chất lượng cao, điểm đến sáng tạo văn hóa, nghệ thuật.
Đà Lạt luôn là địa danh có sức hút mạnh mẽ với du khách trong nước và quốc tế. Vùng đất lãng mạn trên cao nguyên Langbiang được thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ quanh năm, sở hữu nhiều giá trị nổi bật về cảnh quan thiên nhiên với tính đa dạng sinh học cao. Trải qua hơn 130 năm hình thành và phát triển, đô thị cao nguyên có nhiều công trình văn hóa lịch sử, kiến trúc độc đáo, phong cách ứng xử “hiền hòa, thanh lịch, mến khách” tạo được sự yêu mến của nhiều người.
Năm 2024, xứ ngàn hoa đón hơn 7,9 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tăng 21% so với năm 2023; trong đó, khách quốc tế hơn 540 nghìn lượt. Cơ cấu ngành thương mại – du lịch – dịch vụ chiếm hơn 69% cơ cấu kinh tế thành phố.
Đà Lạt là thành phố Festival Hoa Việt Nam, 2 lần được công nhận là “Thành phố du lịch sạch ASEAN” (năm 2020 và 2022), gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO lĩnh vực âm nhạc năm 2023. Đà Lạt từ lâu là điểm đến du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế, thành phố đang xây dựng đô thị thông minh, đô thị di sản.
Nguồn: https://baodaknong.vn/goi-mo-nhung-giai-phap-de-da-lat-phat-trien-du-lich-xanh-va-cong-nghiep-van-hoa-237256.html