Lối ra cho 154 dự án
Tại cuộc họp cập nhật về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) mới đây, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ là không giới hạn phát triển năng lượng tái tạo trên cơ sở bảo đảm an toàn hệ thống, tạo thuận lợi cho xu hướng chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Thế nên, 154 dự án điện mặt trời (ĐMT) thuộc diện thanh tra, điều tra trước đây, đã có kết luận thanh tra, Bộ Công thương cần tiếp tục rà soát, cập nhật vào Kế hoạch các dự án ĐMT, điện gió không có sai phạm; hoặc các dự án đã và đang khắc phục những vi phạm, sai phạm khi đáp ứng được tiêu chí về an toàn hệ thống, công nghệ truyền tải, hiệu quả kinh tế… để không lãng phí nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp (DN), đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương), đánh giá việc Phó thủ tướng đề nghị Bộ Công thương rà soát các dự án từng vi phạm, có hướng khắc phục xử lý hậu quả, cho đưa vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 là gợi ý chính sách khá cởi mở, tháo được nút thắt và tạo cú hích cho phát triển năng lượng tái tạo bị ngưng trệ tại nhiều địa phương trong thời gian qua. Quan điểm chung rất rõ ràng là không được lãng phí nguồn lực đầu tư của DN, quan trọng hơn là phù hợp công suất, lưới điện của các địa phương và tất nhiên là không hợp thức hóa các sai phạm.
Một câu hỏi đặt ra là dự án ĐMT đã khắc phục sai phạm, nhưng khu vực lưới điện tại địa phương đó đã quá tải thì ứng xử thế nào để tránh lãng phí nguồn lực của DN? Chuyên gia Ngô Đức Lâm nêu quan điểm: “Việc tận dụng tối ưu nguồn điện tái tạo là chủ trương nhất quán của Chính phủ, cho dù dự án không nằm trong quy hoạch nhưng thấy có lợi để phát triển cho địa phương, không gây thất thoát cho DN, sẽ được xem xét cho đưa vào kế hoạch thực hiện. Tuy nhiên, nếu nguồn lớn, lưới điện tại khu vực đó không ổn định, khó bảo đảm an toàn nếu tiếp tục phát “nhồi” thêm nữa, chắc chắn Bộ Công thương buộc phải từ chối, hoặc chọn giải pháp khác. Trong quản lý điện lực, không được lãng phí cũng phải dựa trên nguyên tắc phải bảo đảm tính ổn định, an toàn cho lưới điện”.
Đầu tư pin lưu trữ và sớm có cơ chế giá điện 2 thành phần
Theo rà soát của Bộ Công thương, 154 dự án nói trên có tổng công suất 13.000 MW. Vì thế, vấn đề nhiều người quan tâm là nếu đổ lên lưới, sẽ dẫn đến tình trạng quá tải. Giải pháp được ông Ngô Đức Lâm gợi ý trong trường hợp nói trên là DN đầu tư pin lưu trữ nguồn điện. Như vậy sẽ không làm ảnh hưởng lưới điện tại khu vực bị quá tải.
Trong khi đó, chuyên gia năng lượng, TS Nguyễn Huy Hoạch (Hiệp hội Năng lượng VN), lại cho rằng sản lượng điện tại 154 dự án ĐMT với 13.000 MW đổ lên lưới là điều không thể xảy ra. Theo quy hoạch, đến năm 2030, mới có 26.000 MW ĐMT nên Bộ Công thương dù rà soát đến đâu thì chắc chắn cũng chỉ cho lượng công suất lên lưới từng bước một. Hiện lưới điện quốc gia vẫn trong tình trạng quá tải tại một số khu vực phát triển “nóng” nguồn điện. Nếu cho phát lên lưới nguồn ĐMT này, sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng nghẽn lưới, rồi buộc phải cắt giảm công suất, thậm chí không thể ghi nhận nguồn phát lên tại một số thời điểm nhất định.
Thứ hai, muốn phát nguồn ĐMT từ các dự án năng lượng tái tạo này lên lưới, sẽ phải cắt giảm điện từ các nguồn điện truyền thống khác. Nhưng việc này là không đơn giản. Ví dụ nguồn điện than, để vận hành một tổ máy, mất 5 tiếng để đốt lò than, nếu cho ngắt đột ngột, ngưng đốt than, khi cần, đốt lại không kịp, gây thiếu điện, mất an toàn điện. Với các loại hình điện khác, nếu đã có hợp đồng mua bán điện mà lại cắt cũng dễ bị nhà đầu tư kiện. “Vì thế, chắc chắn nhà đầu tư ĐMT phải chấp nhận tại một số khung giờ có nhu cầu sử dụng điện ít hơn thì không được phát lên lưới. Đổi lại, nếu nhà đầu tư có đầu tư hệ thống pin lưu trữ, có thể bán cho ngành điện vào giờ cao điểm, giá bán có thể cao hơn, như cơ chế mua bán điện trực tiếp, có đầu tư pin lưu trữ, có thể bán cho EVN giá cao nhất vào khung giờ cao điểm như buổi tối”, ông Hoạch phân tích
Về giải pháp lâu dài, TS Nguyễn Huy Hoạch đề nghị sớm có cơ chế giá điện 2 thành phần để khắc phục những vấn đề nói trên. Đó là phải có giá công suất (phụ tải) – đăng ký theo nhu cầu sử dụng, và giá điện năng – lượng điện thực tế sử dụng. Giá điện 2 thành phần giúp khuyến khích người dùng điện hiệu quả, từ đó nâng cao hệ số phụ tải điện, tiết kiệm điện và giảm đầu tư công suất nguồn hay mở rộng lưới điện. Tương tự với các đơn vị phát điện cũng vậy, phải trả giá phụ tải khi không phát lên lưới. Chẳng hạn, tại thời điểm buổi tối, không có ĐMT, hay mùa nắng hạn, thủy điện thiếu, nhà đầu tư vẫn phải trả giá công suất, phí phụ tải đó, bù cho các nguồn điện khác phải vận hành và phát lên lưới. “Có giá điện 2 thành phần, tính minh bạch, công bằng trong giá điện huy động từ các nguồn sẽ tốt hơn. Giải pháp cho các dự án ĐMT nói trên cũng dễ dàng triển khai hơn”, TS Nguyễn Huy Hoạch nói.
Tại Hội nghị triển khai Nghị định 80 về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA) mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề xuất khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cơ chế thí điểm giá điện 2 thành phần (giá công suất và giá điện năng); tách bạch giá, phí truyền tải trong cơ cấu giá thành điện năng… trình cấp có thẩm quyền xem xét trong thời gian sớm nhất nhằm tạo đồng bộ, thuận lợi trong triển khai thực hiện và bảo đảm công bằng giữa các bên mua bán điện.
Nguồn: https://baodaknong.vn/go-vuong-cho-hon-100-du-an-dien-mat-troi-221103.html