Giá vàng thẳng tiến lên gần 76 triệu đồng/lượng
Giá vàng trong nước hôm nay 22/12 tiếp đà tăng lên gần 76 triệu đồng/lượng. Hiện tại, giá vàng miếng thương hiệu SJC niêm yết ở mức 74,8 triệu đồng/lượng mua vào và 75,82 triệu đồng/lượng bán ra. So với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tăng thêm 200.000 đồng ở cả 2 chiều.
Giá vàng hôm nay thẳng tiến lên gần 76 triệu đồng/lượng |
Cùng chiều, giá vàng thế giới rạng sáng nay tăng nhẹ, với vàng giao ngay tăng 5,3 USD lên 2.045,5 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.057,8 USD/ounce, tăng 10 USD so với rạng sáng qua.
Dự báo lãi suất tiền gửi sẽ thấp đến cuối 2024
Chuyên gia phân tích chứng khoán VNDirect cho rằng, tỷ giá giảm đã xóa tan lo ngại thị trường về việc Ngân hàng Nhà nước có thể đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng do áp lực tỉ giá.
Cũng theo VNDirect, lãi suất huy động tiếp tục xu hướng giảm. Với việc Fed không còn đề cập đến khả năng tăng lãi suất điều hành và dự báo khả năng cắt giảm lãi suất 3 lần vào năm 2024, VNDirect cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ.
Theo đó, đơn vị này dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ xem xét cắt giảm lãi suất chính sách 50 điểm cơ bản vào năm tới trong trường hợp Fed cắt giảm lãi suất theo kế hoạch và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thấp hơn dự kiến.
Xuất khẩu gạo năm 2024 tiếp tục thuận lợi
Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo, cuối năm và nửa đầu năm 2024, xuất khẩu gạo tiếp tục thuận lợi do nhu cầu thế giới cao. Giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam vẫn giữ ở mức cao kỷ lục 663 USD/tấn. Điều đáng nói vùng giá này được duy trì từ đầu tháng 12 tới nay.
Dự báo về thị trường cuối năm và nửa đầu năm 2024, Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định xuất khẩu gạo tiếp tục thuận lợi do nhu cầu thế giới cao. Chính vì vậy, ngành hàng gạo trong nước tiếp tục tận dụng thời cơ, đưa ra các giải pháp phù hợp để phát triển bền vững. Nội dung này cũng được nhiều doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế quan tâm trong thời gian tham gia Festival Quốc tế lúa gạo Việt Nam tại Hậu Giang vừa qua.
Việt Nam thu hơn 41 triệu USD đầu tiên từ bán tín chỉ carbon rừng
Hơn 41 triệu USD từ bán tín chỉ carbon là số tiền từ rừng đầu tiên từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung bộ với Ngân hàng Thế giới. Số tiền này được chuyển về cho các địa phương để chi trả cho các chủ rừng, người dân địa phương và cộng đồng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đây là thỏa thuận đầu tiên về giảm phát thải được triển khai thành công ở nước ta, mang về một khoản tài chính lớn, góp phần quản lý, bảo vệ rừng và nâng cao đời sống cho người dân.
Tín chỉ carbon sẽ như một loại hàng hóa. Bên mua (nơi phát thải nhiều) cần tín chỉ carbon để thực hiện các cam kết, nghĩa vụ giảm phát thải nhà kính. Còn bên bán là nơi có năng lực giảm phát thải.
Việt Nam là một trong những quốc gia tiềm năng với các dự án về tín chỉ carbon. Rừng Việt Nam có tiềm năng tạo ra khoảng 50 – 70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng dôi dư, nếu xuất khẩu thành công thì nguồn thu có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Việt Nam hiện có trên 14,7 triệu ha rừng với tỷ lệ che phủ trên 42%, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 10 triệu ha, rừng trồng hơn 4,5 triệu ha.
Hiện đã có 58 quốc gia phát triển thị trường carbon, 27 quốc gia áp dụng thuế carbon và một số quốc gia áp dụng cả hai. Để phát triển thị trường carbon ở Việt Nam cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ.
Thanh Tâm