Anh Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông cho biết, khi chương trình OCOP mới ra đời vào năm 2018, nhiều người nói nó sẽ không đi về đâu. Nhưng thực tế không phải vậy, OCOP là tiền đề mạnh mẽ để tiến đến thành công cho nông sản Đắk Nông. “OCOP đã tạo nên tư tưởng nhà nhà, người người nghiên cứu về sản phẩm, nghiên cứu về chất lượng sản phẩm và làm nên những sản phẩm chất lượng cao”, anh Hoàng cho biết.
Riêng đối với Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông đã xây dựng thành công 2 sản phẩm OCOP. Công ty rất tự hào về 2 sản phẩm này và nó cũng đang được thị trường rất ưa chuộng.
Đắk Nông hiện có 60 sản phẩm OCOP, trong đó 7 sản phẩm 4 sao, 53 sản phẩm 3 sao. Tỉnh Đắk Nông đang trình Bộ NN- PTNT đề nghị Hội đồng OCOP Quốc gia đánh giá hạng 5 sao đối với 2 sản phẩm.
Trong hành trình đưa hạt gạo Việt Nam tạo tiếng thơm trên thị trường quốc tế, có các chủ thể OCOP của lúa gạo Đắk Nông. Trong đó, nổi bật nhất là 2 sản phẩm lúa gạo ở Krông Nô. Đó là sản phẩm lúa gạo của HTX Sản xuất lúa gạo Buôn Choáh đạt sản phẩm OCOP hạng 4 sao và lúa gạo của HTX Nông nghiệp Buôn Choáh đạt hạng 3 sao cấp tỉnh.
Ông Phạm Văn Lai, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Buôn Choáh cho biết, chương trình OCOP đã giúp HTX giải quyết vấn đề nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Lúa gạo Buôn Choáh đạt OCOP đã mở ra hướng phát triển mới và giá trị sản phẩm được nâng cao rất nhiều. Trong 5 năm qua, HTX chủ yếu trồng lúa ST24, ST25 và hiệu quả kinh tế tăng gấp 2-3 lần so với trước đây.
Hiệu quả cao, nên nông dân đã thay đổi tư duy sản xuất lúa. Cụ thể, bà con đã tập trung sản xuất lúa theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng cao, bền vững, hướng tới thị trường xuất khẩu. “Chúng tôi đang mở rộng sản xuất lúa hữu cơ, đầu tư chế biến sâu, giữ gìn giá trị đặc biệt của lúa gạo Buôn Choáh mà những nơi khác không có được. Từ đó, chúng tôi tiến tới đạt OCOP Quốc gia”, ông Phạm Văn Lai chia sẻ.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, chương trình OCOP mang lại nhiều kiến thức hay, thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh cho các chủ thể. OCOP đã tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, HTX tham gia hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại hiệu quả. Hơn 5 năm qua, hành trình của OCOP đã và đang góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Các địa phương đã phát huy nội lực, gia tăng giá trị nông sản nhờ OCOP. Chương trình này đã khẳng định được vị thế của mình và sẽ ngày càng hiệu quả hơn.
Tính đến hết tháng 6 năm nay, cả nước có 5.069 chủ thể là doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình có 9.852 sản phẩm đạt OCOP từ 3 – 5 sao. Cả nước phấn đấu đến năm 2025 có 10.000 sản phẩm nông nghiệp đạt OCOP phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.