Trong 3 tháng qua, giá hồ tiêu lần lượt vượt mốc trên 100 triệu đồng/tấn và thường ở mức 140 -160 triệu đồng/tấn. Đáng chú ý, có những thời điểm của tháng 6, giá hồ tiêu đạt đỉnh 180 triệu đồng/tấn. Nhiều nông dân nắm bắt thông tin thị trường và bán hồ tiêu được giá tốt.
Gia đình anh Đào Văn Nga, thôn Thuận Bình, xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song có trên 15ha hồ tiêu, năm nay thu hoạch hơn 20 tấn. Sau khi thu hoạch, anh phơi khô và cất toàn bộ sản phẩm vào kho chờ giá tốt để xuất bán.
Anh Nga chia sẻ: “Giá hồ tiêu tăng nông dân rất phấn khởi. Chúng tôi thường xuyên theo dõi thông tin thị trường để bán ra khi cần thiết. Hiện tại, gia đình vẫn còn một ít hồ tiêu và đang chờ giá cao hơn mới bán”.
Anh Nga cho biết thêm, giá hồ tiêu tăng cao sẽ giúp nông dân có thêm điều kiện để chăm sóc cho cây trồng này. Bà con cũng rút kinh nghiệm chăm sóc, phát triển hồ tiêu bài bản, bền vững để phòng trừ các rủi ro.
Ngoài hồ tiêu, giá cà phê cũng nhiều lần lập đỉnh trong thời gian qua và nông dân được hưởng lợi. Từ tháng 4 trở về trước, giá cà phê nhân xô ở mức dưới 100 triệu đồng/tấn nhưng từ tháng 5 đến nay thường ở mức 110-120 triệu đồng/tấn, có thời điểm lên tới 130 triệu đồng/tấn.
Anh Nguyễn Văn Hậu, thôn 10, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song có gần 3ha cà phê, năm nay thu hoạch 7 tấn nhân. Vườn cà phê của gia đình anh có năng suất không cao nhưng giá năm nay tăng nên phần nào bù lại thu nhập. “Chỉ khi nào cần tiền hoặc giá cà phê tốt thì chúng tôi mới bán”, anh Hậu chia sẻ.
Theo anh Hậu, vườn cà phê của gia đình anh đã lâu năm nên anh đang tái canh 500 cây để thay thế. Diện tích còn lại anh tập trung chăm sóc để nâng cao năng suất cho vụ tới.
Đắk Nông hiện có khoảng 141.000ha cà phê, tổng sản lượng ước đạt khoảng 400.000 tấn/năm; hồ tiêu khoảng 34.000ha, sản lượng trên 69.700 tấn/năm. Đa số nông dân của Đắk Nông trồng cà phê, hồ tiêu nên giá các mặt hàng này tăng đã khích lệ tinh thần cho bà con tái đầu tư, chăm sóc cây trồng tốt hơn.
Nhiều năm trước đây, nông sản nói chung đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và chi phí nguyên liệu đầu vào, công chăm sóc tăng cao. Nhiều thời điểm giá nông sản xuống thấp nên hiệu quả sản xuất không cao, thậm chí nông dân phải bù lỗ.
Thế nhưng, từ năm 2023 đến nay, giá hầu hết các loại nông sản đều khởi sắc. Trong đó, các loại nông sản chủ lực của tỉnh như cà phê, hồ tiêu, hạt điều giá đều tăng cao. Điều này đã giúp nông dân tăng lợi nhuận, phần nào bù đắp những thiệt hại của nhiều năm trước. Quan trọng hơn, giá nông sản tăng đã giúp nông dân phấn chấn trở lại để đầu tư, chăm sóc cây trồng tốt hơn.
Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân Đắk Nông đánh giá, các ngành hàng sản xuất nông nghiệp hiện nay ở Đắk Nông, nhất là cà phê, hồ tiêu tiếp tục chuyển biến tích cực.
Những nông sản này đã có sự liên kết với thị trường, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, tiêu chuẩn chất lượng trong các khâu sản xuất, thu hoạch và chế biến, góp phần nâng cao giá trị gia tăng. Do đó, giá tăng thì nông dân càng có lợi.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui từ giá nông sản tăng, nông dân Đắk Nông cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm tình hình thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài gây hạn hán ở hầu hết các địa bàn của Đắk Nông.
Các cấp hội nông dân của Đắk Nông cùng chính quyền đã có các giải pháp hỗ trợ nông dân. Bên cạnh sự hỗ trợ này, nhìn chung nông dân đã chủ động chăm sóc cây trồng một cách bài bản, khoa học, hiệu quả.
“Hội Nông dân tỉnh cùng các cấp hội cơ sở đã triển khai nhiệm vụ, thường xuyên theo dõi, giúp nông dân chăm sóc cây trồng không để phát sinh bệnh hại, bảo đảm đạt năng suất, chất lượng tốt nhất”, ông Gấm cho biết.
Nguồn: https://baodaknong.vn/gia-nong-san-tang-cao-nong-dan-dak-nong-phan-khoi-cham-soc-cay-trong-221063.html