Thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông) đang trên hành trình xây dựng, phát triển đô thị xanh, thông minh, bền vững.
Gia Nghĩa, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh Đắk Nông, đang từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành một đô thị xanh bền vững giữa Tây Nguyên đại ngàn.
Là đô thị trẻ nhất Việt Nam, Gia Nghĩa sở hữu những lợi thế tự nhiên đặc trưng và đang tận dụng hiệu quả các tiềm năng đó để xây dựng hình ảnh một đô thị “rừng trong phố, phố trong rừng”.
Với diện tích tự nhiên trên 284km² và dân số hơn 73.580 người, Gia Nghĩa không chỉ là điểm sáng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Đắk Nông, mà còn là hình mẫu tiêu biểu cho sự kết hợp giữa bảo tồn và phát triển bền vững.
Gia Nghĩa được thiên nhiên ưu ái với đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu ôn hòa và địa hình đặc trưng đồi bát úp. Thành phố còn sở hữu một hệ thống hồ, suối và thác nước phong phú, tạo nên không gian sống trong lành, mát mẻ quanh năm.
TP. Gia Nghĩa có khoảng 300 hồ, suối, thác nước và đập thủy điện lớn nhỏ, bao quanh thành phố, tạo nên một bức tranh thiên nhiên hài hòa giữa sông, nước.
Hồ thủy điện Đắk R’tíh, với diện tích mặt nước hơn 1.000ha, trải dài qua ba phường trung tâm, đóng vai trò như “lá phổi” khổng lồ của thành phố.
Ngoài ra, những hồ nước lớn như hồ trung tâm, hồ thượng, hồ hạ hay các thác nước nổi tiếng như thác Liên Nung, thác Cô Tiên và thác Anna cũng tạo nên sức hút độc đáo.
Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa, ông Đỗ Tấn Sương, khẳng định: “Những lợi thế về cảnh quan tự nhiên là nền tảng vững chắc để chúng tôi hướng tới xây dựng đô thị xanh, thông minh và bền vững. Gia Nghĩa tự hào là một trong những đô thị hiếm hoi có nguồn nước ngọt dồi dào, góp phần tạo ra môi trường sống lý tưởng cho người dân”.
Từ năm 2020, TP. Gia Nghĩa đã triển khai mạnh mẽ các chương trình trồng cây xanh. Với hơn 21.380 cây được trồng thêm, thành phố nâng tổng số cây xanh trên địa bàn lên 27.700 cây.
Thành phố hiện quản lý 11 công viên và hoa viên với tổng diện tích hơn 15ha, góp phần tạo nên không gian xanh mát và cân bằng sinh thái.
Đặc biệt, Gia Nghĩa chú trọng trồng các loại cây bản địa đặc trưng của Tây Nguyên như thông, sao đen, dầu rái, bằng lăng và phượng vàng. Đây là cách để bảo tồn hệ sinh thái địa phương, đồng thời tạo điểm nhấn riêng biệt, khác hẳn với các đô thị khác trên cả nước.
Nhờ hệ thống cây xanh dày đặc và diện tích mặt nước lớn, nhiệt độ bình quân của TP. Gia Nghĩa dao động từ 23-26°C, mang đến môi trường sống trong lành, mát mẻ.
Bà Nguyễn Thị Kim Sơn, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội các Đô thị Việt Nam, nhận định: “Tôi đã đến thăm 130 đô thị trên cả nước, nhưng Gia Nghĩa là nơi để lại ấn tượng sâu sắc nhất. Sự bền bỉ và cứng rắn trong việc quản lý, giữ gìn các hồ nước tự nhiên giữa lòng đô thị là minh chứng cho tầm nhìn dài hạn và tinh thần trách nhiệm của chính quyền địa phương”.
Song song với việc xây dựng đô thị xanh, Gia Nghĩa cũng hướng tới mục tiêu trở thành đô thị thông minh. Năm 2024, tỉnh Đắk Nông đã đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát điều hành thông minh (IOC).
Trung tâm này được đặt tại TP. Gia Nghĩa và đóng vai trò là bộ não quản lý dữ liệu trên nhiều lĩnh vực quan trọng, bao gồm giao thông, an ninh, giáo dục, y tế và dịch vụ công trên địa bàn.
Trung tâm này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý, mà còn cải thiện chất lượng dịch vụ công, mang lại tiện ích tối ưu cho người dân và doanh nghiệp.
Trên địa bàn TP. Gia Nghĩa có 103 điểm nạp, rút tiền; 201 điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; gần 20% người dân có tài khoản thanh toán điện tử.
Gia Nghĩa đã đầu tư cải tạo hệ thống chiếu sáng công cộng bằng công nghệ đèn LED tiết kiệm điện trên 53 tuyến đường, đồng thời xây dựng mới 867 trụ đèn chiếu sáng hiện đại.
Những nỗ lực này không chỉ giúp giảm chi phí năng lượng mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng thành phố xanh.
Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa, ông Đỗ Tấn Sương, chia sẻ: “Gia Nghĩa đã sớm xác định chiến lược phát triển đô thị thông minh, bền vững. Chúng tôi không chỉ tập trung vào cơ sở hạ tầng mà còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để quảng bá hình ảnh con người, vùng đất thành phố, thu hút du khách và nhà đầu tư”.
TP. Gia Nghĩa đang kêu gọi và triển khai 9 dự án đầu tư ngoài ngân sách, với tổng diện tích 258ha, vốn đầu tư dự kiến 2.567 tỷ đồng. Thành phố đăng ký thêm 15 dự án kêu gọi đầu tư, với tổng vốn lên tới 74.257 tỷ đồng.
Những năm qua, TP. Gia Nghĩa kết hợp phát triển đô thị xanh với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và bảo tồn văn hóa của các dân tộc bản địa như M’nông, Mạ, Ê đê.
Đây không chỉ là cách để phát huy giá trị truyền thống, mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế mới, dựa trên du lịch bền vững và cộng đồng.
Gia Nghĩa đặt mục tiêu đạt tiêu chuẩn đô thị loại II vào năm 2030, với các tiêu chí xanh, sạch, đẹp, văn minh và hiện đại. Thành phố cũng cam kết không đánh đổi tài nguyên thiên nhiên để phát triển, giữ vững những giá trị cốt lõi làm nên bản sắc riêng.
Bên cạnh đó, Gia Nghĩa tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý đất đai và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Thành phố đang từng bước xây dựng chính quyền điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến.
Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa, ông Đỗ Tấn Sương, khẳng định: “Chúng tôi tự tin với hướng đi bền vững của mình. Gia Nghĩa không chỉ là một đô thị trẻ, mà còn là biểu tượng của sự phát triển hài hòa giữa con người và thiên nhiên”.
Với những bước tiến vững chắc, Gia Nghĩa đang vươn mình trở thành đô thị xanh kiểu mẫu của Việt Nam. Sự nỗ lực của chính quyền và người dân sẽ tiếp tục tạo nên một Gia Nghĩa hiện đại, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ của Tây Nguyên đại ngàn – một đô thị “rừng trong phố, phố trong rừng” đúng nghĩa.
Nội dung: Thanh Nga
Ảnh: Ngô Minh Phương
Trình bày: Phong Vũ
Nguồn: https://baodaknong.vn/gia-nghia-va-muc-tieu-do-thi-xanh-ben-vung-236910.html