Hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế từ nghề truyền thống
TP. Gia Nghĩa có 8 xã, phường, với 62 thôn, bon, tổ dân phố. Thành phố có 29 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đồng bào DTTS ở Gia Nghĩa có khoảng 10.676 người, chiếm 14% dân số của thành phố. Trong đó, DTTS tại chỗ 4.011 người, chiếm gần 37,6% đồng bào DTTS.
Những năm qua, TP. Gia Nghĩa đã quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS để xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững.
Chị H’Bình, Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đắk Nia cho biết, nhiều năm qua, thành phố và xã Đắk Nia đã đồng hành với bà con DTTS trong giải quyết việc làm.
TP. Gia Nghĩa tạo điều kiện thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đắk Nia, Tổ hợp tác sản xuất rượu cần Đắk Nia. Đây là những tổ chức để bảo tồn các giá trị văn hóa, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người dân.
Theo chị H’Bình, bà con rất yêu nghề dệt, nhưng để giữ được nghề như hiện nay chính là nhờ vào sự quan tâm đặc biệt của địa phương.
Được địa phương hỗ trợ về vật chất, kết nối đầu ra, nên 9 thành viên của Tổ hợp tác dệt thổ cẩm đều có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định với khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.
Bon N’Jriêng cũng là địa bàn được TP. Gia Nghĩa chọn để đầu tư phát triển du lịch. Ông K’Khiêm, Trưởng bon N’Jriêng, xã Đắk Nia cho biết, bà con được tập huấn kiến thức, kỹ năng về phát triển du lịch, từ đó có thêm việc làm.
Trên địa bàn, đã có những hộ không chỉ làm nông nghiệp như trước mà đã đầu tư kinh doanh, mở quán sá phục vụ du khách. Trong đó, gia đình chị H’Rai đã đầu tư xây dựng homestay phục vụ du lịch.
Gia đình chị H’Bình mở cửa hàng cung cấp các sản phẩm thổ cẩm, đồ lưu niệm làm từ thổ cẩm… Hiện nay, đời sống của bà con DTTS trong bon đã phát triển rõ nét.
Từ năm 2019 đến nay, TP. Gia Nghĩa có 265 lượt hộ gia đình đồng bào DTTS tại chỗ được vay vốn ưu đãi, với tổng dư nợ trên 1,6 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Trong 5 năm qua, TP. Gia Nghĩa hỗ trợ cho 104 lượt hộ gia đình DTTS với tổng kinh phí trên 633 triệu đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Các chính sách được triển khai đồng bộ đối với đồng bào DTTS đã góp phần giúp TP. Gia Nghĩa thực hiện tốt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững.
Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của TP. Gia Nghĩa hiện thấp nhất tỉnh Đắk Nông, chiếm 0,42% (87 hộ nghèo, với 358 khẩu). Trong đó, hộ nghèo là DTTS 62 hộ, với 283 khẩu. Hộ nghèo là DTTS tại chỗ có 45 hộ, với 204 khẩu.
TP. Gia Nghĩa còn 167 hộ cận nghèo, với 680 khẩu, chiếm 0,81% tổng số hộ dân cư. Trong đó, hộ cận nghèo là DTTS có 91 hộ, với 407 khẩu.
Hộ cận nghèo là DTTS tại chỗ có 58 hộ, với 291 khẩu. Thu nhập bình quân của đồng bào DTTS hiện đạt 53 triệu đồng/người/năm, tăng 2,6 lần so với năm 2011.
Ông Phạm Thế Cường, Trưởng Phòng Dân tộc, UBND TP. Gia Nghĩa cho biết, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao đời sống của người dân, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giúp đỡ bà con đồng bào DTTS sản xuất, phát triển kinh tế từ đó ổn định cuộc sống.
Bà con không nghe theo kẻ xấu xúi giục, kích động và tăng cường cảnh giác; phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chăm chỉ làm ăn.
Ưu tiên đầu tư hạ tầng
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp TP. Gia Nghĩa luôn chú trọng đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các vùng DTTS.
Thành phố dần hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn, các công trình phục vụ văn hóa, giáo dục, y tế, thủy lợi, sinh hoạt cộng đồng… cho vùng DTTS.
Đến nay, tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường nông thôn tại các vùng DTTS ở Gia Nghĩa đạt 65,75%. Tất cả các trường học được xây dựng kiên cố. 75% trạm y tế được thành phố xây dựng kiến cố, hoàn thiện về cơ sở vật chất.
Các thôn, bon đều có điện lưới quốc gia. Tỷ lề hộ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 72%. Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo DTTS 5 tuổi đến trường đạt 99,9%.
Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học THCS đạt 99,93%. Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 99,43%…
Ông K’Khiêm, Trưởng bon N’Jriêng, xã Đắk Nia cho biết: “Cơ sở hạ tầng, trong đó có điện, đường, trường, trạm được đầu tư đã giúp bà con phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và nâng cao kiến thức”.
Qua đánh giá của UBND TP. Gia Nghĩa, nhờ được quan tâm, nên đồng bào DTTS đã nhận thức rõ hơn về việc tự thân vận động, vươn lên trong cuộc sống. Trên địa bàn có rất nhiều hộ DTTS biết đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Bà Bùi Thị Kim Thư, Phó Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa đánh giá: Giai đoạn 2019-2024, thành phố ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để thực hiện chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS.
Trong đó, thành phố chú trọng phát triển đời sống, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS. Thành phố quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch.
Gia Nghĩa đã thành lập các câu lạc bộ văn hóa dân gian, hỗ trợ vật chất cho các đội văn nghệ ở các thôn, bon.
“Gia Nghĩa vừa có đồng bào DTTS tại chỗ và các DTTS phía Bắc di cư vào. Bà con luôn có tinh thần cần cù, chịu khó lao động, đoàn kết, tin tưởng vào Đảng và Nhà nước. Người uy tín trong vùng DTTS phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong đời sống, góp phần tập hợp tinh thần đoàn kết ở cơ sở”, Phó Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa Bùi Thị Kim Thư nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, những năm qua, các vùng DTTS ở TP. Gia Nghĩa có sự chuyển biến rõ nét. Đồng bào DTTS tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, chủ động phát triển kinh tế hộ gia đình, từ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm.
Tổng kế hoạch vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022-2024 theo các quyết định của tỉnh giao cho TP. Gia Nghĩa là 9.688 tỷ đồng.