Ký ức Gia Nghĩa xưa
Ông Võ Tiến Cường, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Nông cũ là một trong những người chứng kiến rõ nhất sự hình thành và những đổi thay của TP. Gia Nghĩa suốt 20 năm qua.
Chúng tôi gặp ông trong căn nhà ở tổ dân phố 2, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông). Theo ông Cường, căn nhà này đã gắn bó với đại gia đình ông 43 năm qua. Căn nhà này lưu giữ nhiều ký ức, trong đó đáng nhớ nhất là những hình ảnh về Gia Nghĩa ngày xưa.
Ông Cường nhớ lại: Năm 1980, tôi đặt chân đến vùng đất Gia Nghĩa. Lúc bấy giờ, Gia Nghĩa chỉ là thị trấn cùng với 2 xã là Quảng Thành và Đắk Nia thuộc huyện Đắk Nông, tỉnh Đắk Lắk cũ.
Lúc ấy, chàng trai Nghệ An xa quê hương đến với Gia Nghĩa khi mới 27 tuổi, bừng bừng nhiệt huyết của sức trẻ! Rồi ông chậm rãi kể cho tôi nghe cơ duyên đến mảnh đất này:
– Tôi đi bộ đội năm 18 tuổi, là lính lái xe tăng ở chiến trường Quảng Trị. Chiến tranh lúc bấy giờ ác liệt lắm. Nhiều bộ đội ta thương vong, trong đó có tôi. Hòa bình, tôi trải qua nhiều vị trí công tác. Khi đến Gia Nghĩa, tôi được làm trưởng đoàn tổ chức điều tra về rừng, thuộc Liên hiệp Lâm nghiệp Gia Nghĩa. Từ tháng 9/1991 – 8/2004, tôi làm Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Nông.
Ở tuổi 70, mái tóc của người cựu chiến binh nhuốm màu sương gió. Với chất giọng xứ Nghệ, ông kể tiếp:
– Lúc mới giải phóng, Nhà nước chỉ đạo tập trung khai thác gỗ để đầu tư cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, miền Tây. Hồi đó, Gia Nghĩa rừng rất nhiều. Mỗi năm, Nhà nước giao chỉ tiêu cho liên hiệp mấy vạn mét khối gỗ.
Nhấp chén trà, ông Cường tiếp lời:
– Sau này, Gia Nghĩa đông người hơn là nhờ liên hiệp đưa công nhân của các lâm trường từ miền Trung, miền Bắc vào, chứ dân gốc ở đây không có mấy. Liên hiệp Lâm nghiệp Gia Nghĩa có tới mười mấy lâm trường, xí nghiệp. Ngoài công nhân, nông dân cũng được đưa vào để khai thác rừng, trồng rừng, bảo vệ rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp, nên có những lâm trường đến cả ngàn người.
Bà H’Sang năm nay 67 tuổi, ở tổ dân phố 2, phường Nghĩa Trung cũng đến Gia Nghĩa lập nghiệp cùng thời với ông Cường. Bà H’Sang nhớ như in:
– Tôi là người dân tộc M’nông, quê gốc ở Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng, theo chồng sang Gia Nghĩa sinh sống. Giai đoạn từ 1990 trở về trước, Gia Nghĩa đất đồi núi, điện, đường sá lúc đó chưa được đầu tư, nên cà phê năng suất rất thấp. Chúng tôi chủ yếu trồng khoai, trồng rau, tự cung, tự cấp, đời sống khó khăn.
Bà H’Sang nhớ về cái thời chẳng muốn đi đâu xa:
– Thời kỳ đầu, đường sá chưa được rải nhựa, chưa được đổ bê tông, chủ yếu là đất. Đến mùa mưa, đường lầy lội, chúng tôi đi bộ làm rẫy ngã lên ngã xuống. Mùa nắng thì bụi mù trời. Mãi đến năm 1998, Trung ương đầu tư quốc lộ 14 từ Buôn Ma Thuột về Bình Phước thì đời sống người dân Gia Nghĩa mới đỡ dần. Lúc này, lưu thông đến Đắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh khác thuận lợi thì chúng tôi bán cà phê và các nông sản khác dễ dàng.
Rồi ánh mắt bà H’Sang ánh lên niềm vui:
– Đặc biệt, năm 2004, tỉnh Đắk Nông được tái lập, Gia Nghĩa trở thành trung tâm đô thị, có thêm đà nữa phát triển, khởi sắc. Điện, đường, trường trạm được Nhà nước đầu tư tương đối đầy đủ, đời sống người dân khá hơn nhiều. Gia Nghĩa đúng là “đất lành chim đậu”. Vợ chồng tôi có 5 người con đã trưởng thành, trong đó 4 người lập gia đình. Các con có đứa ở Gia Nghĩa, có đứa đi làm ăn tại tỉnh bạn, nhưng đứa nào cũng yêu cái mảnh đất này!
Sau 20 năm tái lập tỉnh Đắk Nông, TP Gia Nghĩa có khoảng 73.000 dân. Đời sống người dân Gia Nghĩa có của ăn, của để; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn chỉ còn 0,41%.
Tự tin vươn tới tầm cao mới
Gia Nghĩa đang phát huy tiềm năng, thế mạnh của thành phố trẻ, khẳng định xứng tầm là trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh. Điển hình năm 2023, thu ngân sách của Gia Nghĩa ước đạt trên 914 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách của Đắk Nông.
Đến nay, Gia Nghĩa có 100% đường đô thị được nhựa hóa và bê tông hóa. Tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; sử dụng điện đạt 100%.
Tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 75%. Thành phố có 23/30 trường học đạt chuẩn quốc gia. Tất cả các thôn, bon, tổ dân phố được phủ sóng truyền hình, truyền thanh.
Thành phố luôn bảo đảm giữ vững ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thu nhập bình quân đầu người của Đắk Nông hiện đạt trên 68 triệu đồng/người/năm, gấp hơn 12 lần so với năm 2004. Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, đời sống của người dân của Gia Nghĩa được nâng lên rõ rệt.
TP. Gia Nghĩa hiện có gần 9.100 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp, phục vụ tốt nhu cầu đời sống của người dân.
Cùng với sự phát triển chung của tỉnh Đắk Nông, đô thị Gia Nghĩa cũng từng bước khẳng định tầm vóc về kinh tế-xã hội, tạo được rất nhiều ấn tượng riêng. Đường sá và các hạ tầng khác ở Gia Nghĩa ngày càng khang trang, hoàn thiện.
Gia Nghĩa hiện tại như đại công trường với nhiều công trình, nhà cao tầng đã và đang được xây dựng, hoàn thiện để tô điểm thêm nét đẹp của thành phố trẻ, trở thành niềm tự hào của người dân và tạo ấn tượng đẹp cho du khách.
Ông Võ Phạm Xuân Lâm, UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Gia Nghĩa chia sẻ: Điều mà chúng tôi mừng nhất đó là Nhân dân Gia Nghĩa luôn đoàn kết, đồng hành với cấp ủy đảng, chính quyền chung tay xây dựng thành phố ngày càng phát triển. Người dân sẵn sàng bàn giao mặt bằng, hiến đất đai, tiền của, công sức xây dựng các công trình.
Trong lòng mỗi người dân Gia Nghĩa, mỗi thời kỳ phát triển của thành phố trẻ là mỗi ký ức, là niềm tự hào. Bởi mỗi người đã và đang góp sức xây dựng đô thị Gia Nghĩa ngày càng phát triển.
Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP. Gia Nghĩa tiếp tục nỗ lực, phấn đấu để đạt các mục tiêu mới đã đề ra. Gia Nghĩa quyết tâm phấn đầu để xứng tầm với kỳ vọng của Nhân dân.
Đắk Nông đang tập trung nguồn lực xây dựng đô thị Gia Nghĩa theo hướng xanh – văn minh – hiện đại, xứng tầm trung trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Trong đó, đô thị Gia Nghĩa được quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 với quy mô khoảng 25.926 ha; đến năm 2030 phát triển TP. Gia Nghĩa thành đô thị loại II theo hướng hiện đại, thông minh.