Mảnh đất này không chỉ có âm nhạc của quá khứ, mà còn đang viết nên những bài ca mới – bài ca của sự kiên cường trong lao động và khát vọng vươn xa.
“Đích đến của chúng ta không phải là một vùng đất mà là cách nhìn mới”. Câu nói của một doanh nhân gợi lên niềm cảm hứng mãnh liệt khi bước chân đến Gia Lai, mảnh đất đại ngàn giàu bản sắc, nơi hòa quyện giữa thiên nhiên, con người và văn hóa. Đi để sẻ chia và được chia sẻ. Đi để nghe quá khứ kể câu chuyện về bảo vật quốc gia Rìu tay, Di tích Rộc Tưng – Gò Đá – một trong những nơi lưu giữ dấu tích văn hóa của tổ tiên loài người – Người đứng thẳng Homo erectus. Miền đất sử thi đang tạo chỗ điểm tựa cho hiện tại và hiện tại đang viết tiếp những chương mới đầy khát vọng cho tương lai.
Bản hòa ca của núi rừng Tây Nguyên
Một nhà thơ nổi tiếng đúc kết “Âm nhạc là ngôn ngữ chung của nhân loại”. Gia Lai không chỉ là một miền đất, mà còn là miền đất của một giai điệu – giai điệu cồng chiêng vang vọng giữa đại ngàn. Tiếng cồng chiêng không chỉ là âm nhạc mà là hơi thở của núi rừng, là nhịp đập của trái tim người Bahnar, J’rai, gửi gắm những lời cầu nguyện thiêng liêng đến đất trời. Nhìn những em bé mặc đồ thổ cẩm trên sân khấu hoành tráng tưng bừng hoà mình theo nhịp trống, tiếng cồng chiêng càng nhìn thấy sức mạnh mẽ của đại ngàn.
Không chỉ có cồng chiêng, Gia Lai còn lưu giữ những bài sử thi hùng tráng như “Hơ mon” của người Bahnar hay “Dăm Blom” của người J’rai, không chỉ là những câu chuyện kể mà còn giữ lửa tinh thần dân tộc. Đây là di sản văn hóa không thể thay thế, gợi lên niềm tự hào trong mỗi người con Tây Nguyên.
Sắc trắng hoa cà phê và giá trị từ đất mẹ
Ai đó đã cảm xúc: “Mỗi bông hoa là một giấc mơ nhỏ của thiên nhiên”. Mỗi độ tháng Ba về, Gia Lai khoác lên mình tấm áo trắng tinh khôi của hoa cà phê phủ kín các sườn đồi và thung lũng. Sắc trắng ấy không chỉ là vẻ đẹp mà còn là hương thơm ngọt ngào, đánh thức ký ức và khơi dậy cảm xúc. Mùa hoa cà phê cũng là mùa du khách khắp nơi tìm đến, để đắm mình trong cảnh sắc độc đáo và lưu giữ những khoảnh khắc bình yên giữa đại ngàn.
Từ những bông hoa ấy, Gia Lai mang đến sản vật tinh túy – mật ong hoa cà phê. Loại mật ngọt thơm, vàng óng ánh, không chỉ là món quà từ thiên nhiên mà còn là niềm tự hào của người nông dân Tây Nguyên. Không chỉ vậy, mô hình du lịch mùa hoa cà phê đang dần được phát triển, mang đến những trải nghiệm đặc sắc, từ tham quan các trang trại cà phê, thưởng thức cà phê nguyên bản giữa vườn hoa, đến khám phá hành trình làm mật ong hay trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa. Gia Lai đang tiên phong trong mô hình cà phê cảnh quan, kết hợp nông nghiệp bền vững và du lịch xanh. Những đồi cà phê không chỉ là nơi canh tác mà còn trở thành không gian nghỉ dưỡng, nơi du khách có thể tận hưởng bầu không khí trong lành và cảm nhận vẻ đẹp hòa quyện giữa thiên nhiên và con người.
Sức sống mãnh liệt của những người trẻ Gia Lai
Hôm nay, Gia Lai không chỉ là rừng cao su bạt ngàn hay Biển Hồ xanh biếc, mà còn là nơi sức trẻ đang cùng nhau kiến tạo tương lai. Một buổi sáng, ngồi giữa nhóm bạn trẻ khởi nghiệp dưới bóng cây xanh trong công viên trung tâm thành phố, cảm nhận được khát vọng mãnh liệt tràn ngập nơi đây. Đến thành phố những đêm không ngủ, gặp những bạn trẻ mới thấu hiểu hết câu “Tương lai thuộc về những ai tin vào vẻ đẹp của những ước mơ”.
Phùng Thủy, Lưu Quang, Thanh Tâm, v.v, những bạn trẻ tạo dựng những ước mơ từ thương hiệu cà phê mang đậm chất Gia Lai, không chỉ mang đến hương vị độc đáo mà còn thấm đẫm văn hóa miền cao nguyên. Hay Y H’Lam, cô gái J’rai đầy nghị lực, với thương hiệu “Hương rừng Tây Nguyên” từ cây mắc ca, vừa bảo tồn bản sắc vừa giúp bà con trong làng cải thiện cuộc sống.
A Ngưi, chàng thanh niên Bahnar đầy tự hào dân tộc, đang phát triển khu du lịch cộng đồng ở K’Bang – nơi văn hóa cồng chiêng, ché rượu cần và tinh hoa ngàn đời được sống lại trong từng trải nghiệm của du khách. Những người trẻ ấy chính là minh chứng cho sức sống mãnh liệt và sáng tạo không ngừng của Gia Lai.
Hơi thở của bản sắc trong thời hiện đại
Gia Lai không ngừng đổi mới, gìn giữ bản sắc mà vẫn hòa nhịp với thời đại. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa, gỗ hay cà phê hòa tan, bánh quy vị cà phê không chỉ mang dấu ấn Tây Nguyên mà còn chinh phục thị trường quốc tế. Nguyễn Hải Phong – Tropico Tây Nguyên – với sản phẩm cà phê, xây dựng vùng nguyên liệu sinh thái hữu cơ, tạo chuỗi sản phẩm cà phê chất lượng cho Gia Lai. Và còn nhiều ý tưởng về những dòng sản phẩm dứa sấy lạnh, kết hợp bảo vệ môi trường và tạo công ăn việc làm cho nông dân địa phương. Đây là cách những người trẻ Gia Lai hiện đại hóa bản sắc mà vẫn giữ trọn hồn cốt của mảnh đất mình, như hương vị ngọt nồng từ những ché rượu cần.
Gia Lai trong những bài hát và ước mơ
Một triết gia tổng kết: “Thiên nhiên không bao giờ vội vã, nhưng mọi thứ đều đạt được”. Không gieo trồng và chăm sóc sẽ không có vụ mùa bội thu. Những giai điệu như “Đôi mắt Pleiku” hay “Bóng cây Kơ nia” đã chạm đến trái tim của bao người, kể về một Gia Lai vừa hùng vĩ vừa dịu dàng. Nhưng mảnh đất này không chỉ có âm nhạc của quá khứ, mà còn đang viết nên những bài ca mới – bài ca của sự kiên cường trong lao động và khát vọng vươn xa.
Hành trình tiếp nối
“Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân nhỏ bé”. Nhìn về tương lai, Gia Lai không chỉ là một điểm đến du lịch mà còn là trung tâm kinh tế và văn hóa của Tây Nguyên, trung tâm khởi nghiệp từ những tài nguyên sẵn có kết hợp tri thức bản địa và công nghệ mới. Người Gia Lai đang sáng tạo, từ nông nghiệp truyền thống với cây ăn trái, thảo dược bản địa, đến những tour du lịch trải nghiệm văn hóa độc đáo, hòa mình vào đời sống của các dân tộc thiểu số.
Hãy đến Gia Lai, nơi núi rừng và con người hòa quyện, nơi khát vọng và bản sắc đang cùng tỏa sáng. Tương lai từ quá khứ của miền đất sử thi. Quá khứ vẫn sẽ được tìm thấy trong tương lai nơi miền đất lạnh.
Nhớ lắm đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy!
Nguồn: https://baodaknong.vn/gia-lai-mien-dat-su-thi-239034.html