Cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Gia Lai đang nỗ lực đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư để phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư chung theo quy định của Chính phủ, tỉnh Gia Lai đã ban hành chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh như Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực của tỉnh; Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030; Nghị quyết số 102 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định một số chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Nghị quyết số 97 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…
Về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để hằng tuần họp giải quyết khó khăn, vướng mắc cụ thể từng dự án; thường xuyên tổ chức gặp gỡ trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của từng doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách toàn diện thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khi đăng ký đầu tư đến khi dự án đi vào hoạt động.
Song song với việc tích cực triển khai đầu tư công thì việc thu hút các nguồn lực đầu tư được tỉnh hết sức quan tâm. Tỉnh đang kêu gọi đầu tư nhiều dự án dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trong đó có 13 dự án thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng; ba dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm sản và sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng; hai dự án thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp; ba dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch.
Trong số đó có một số dự án quy mô lớn như: Dự án Trung tâm nhân giống, phát triển cây dược liệu (xã Xuân An, thị xã An Khê) với diện tích 17 ha; dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng núi Hàm Rồng (xã Ia Kênh, thành phố Pleiku) diện tích 190 ha; dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Tân Sơn (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) diện tích 56,1 ha…
Để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực đô thị, nhiều dự án trung tâm thương mại-dịch vụ, khu dân cư cũng được đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư như: Dự án khu dân cư đường Hoàng Sa và vùng phụ cận (thành phố Pleiku) với diện tích 112 ha; dự án nhà ở xã hội phường Thống Nhất (thành phố Pleiku) diện tích 0,76 ha; dự án khu thương mại-dịch vụ khách sạn thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) diện tích 0,58 ha; dự án thu hút phát triển dân cư khu trung tâm huyện Ia Pa 2 diện tích 7,27 ha… Ngoài ra, tỉnh đang kêu gọi đầu tư nhiều dự án trồng rừng.
Để thu hút các nguồn lực đầu tư chất lượng cao, bảo đảm hiệu quả của dự án, tỉnh đang đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm tính công khai, minh bạch và siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính ở các cơ quan công quyền. Cùng với đó, tỉnh áp dụng đồng bộ hệ thống quản lý chất lượng trong hoạt động của các cơ quan hành chính theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 nhằm đơn giản hóa quy trình và giảm những tác động tiêu cực khi giải quyết các thủ tục hành chính.
Từ đầu năm đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 12 dự án với tổng vốn đăng ký 1.028,6 tỷ đồng. Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tổ chức thẩm định 36 dự án, trong đó có 3 dự án đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư 270,6 tỷ đồng, 33 dự án còn lại đang trong quá trình hoàn thiện, bổ sung hồ sơ.
Nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tìm hiểu nắm bắt thông tin, Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện triển khai tư vấn, cung cấp thông tin cần thiết để các cá nhân, tổ chức tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; trong đó, tập trung cung cấp thông tin về lĩnh vực đầu tư, định hướng phát triển kinh tế-xã hội, cơ chế chính sách và các quy định hiện hành của Nhà nước và của tỉnh; tư vấn lựa chọn địa điểm đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, Trung tâm cung cấp các dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu về lập hồ sơ dự án đầu tư, lập hồ sơ ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; lập hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và hồ sơ thay đổi đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp; nâng cao tinh thần phục vụ, đề cao trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp để đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư kinh doanh cởi mở, thân thiện, chuyên nghiệp; thường xuyên cập nhật quy định, chính sách mới; đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ về chuyên môn, kỹ năng xúc tiến đầu tư.
Hiện nay, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tăng cường các kênh xúc tiến đầu tư trực tuyến và ứng dụng công nghệ số; đồng thời chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ. Để tránh lãng phí nguồn lực đất đai, tỉnh đang rà soát, xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ và kém hiệu quả.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đã và đang tập trung nhận diện và tháo gỡ những điểm nghẽn để tạo chuyển biến trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư. Ông Đinh Hữu Hòa, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Hiện nay, công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục như: số lượng dự án triển khai trong danh mục các dự án kêu gọi đầu tư được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chiếm tỷ lệ thấp; một số dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư được xây dựng trên cơ sở đề xuất của nhà đầu tư nên chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, tính chủ động của tỉnh và của từng địa phương. Bên cạnh đó, công tác xem xét, thẩm định hồ sơ chấp thuận đầu tư dự án chưa gắn với công tác kiểm tra, đánh giá kỹ hiện trạng đất đai với nhu cầu sử dụng đất, quy mô đầu tư. Các địa phương chưa chủ động giới thiệu, cập nhật đầy đủ thông tin danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên các trang thông tin điện tử của cấp huyện; nội dung dự án chưa cụ thể, minh bạch, phần lớn các dự án đăng ký kêu gọi đầu tư chưa có mặt bằng sạch, một số dự án chưa tích hợp với quy hoạch chung, kế hoạch sử dụng đất của địa phương hàng năm và giai đoạn, gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tiếp cận.
Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành Kế hoạch về khắc phục, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 và các năm tiếp theo. Kế hoạch đề ra mục tiêu thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và phục vụ doanh nghiệp, từ đó tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào hệ thống chính quyền, tăng động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Nguồn: https://baodaknong.vn/gia-lai-doi-moi-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-thu-hut-dau-tu-236046.html