Dự án Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ (SACCR) tỉnh Đắk Nông được Quỹ Khí hậu xanh (GCF) tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP).
Theo ông Phạm Hùng Vỹ, Giám đốc Dự án SACCR, đối tượng hưởng lợi của dự án là các hộ nông dân thuộc diện nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, và phụ nữ là trụ cột của gia đình, có diện tích từ 1ha trở xuống, tại 16 xã/thị trấn thuộc 3 huyện Cư Jút, Đắk Mil và Krông Nô.
Trước đây, gia đình anh Y Thiêm ở buôn U1, thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút (Đắk Nông) có hơn 6 sào cà phê kinh doanh. Năm 2023, gia đình anh được Dự án SACCR hỗ trợ hệ thống tưới nước tiết kiệm giúp anh thuận lợi hơn trong việc đầu tư và chăm sóc vườn cây.
Dự án SACCR được triển khai tại tỉnh Đắk Nông từ năm 2021 – 2026, với tổng mức đầu tư hơn 126 tỷ đồng. Trong đó, vốn tài trợ không hoàn lại từ GCF là 108,609 tỷ đồng và vốn đối ứng từ ngân sách Trung ương 18 tỷ đồng.
Theo anh Y Thiêm, trước đây, cứ vào mùa khô, gia đình khá vất vả vì vườn rẫy xa nguồn nước. Từ khi lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân, anh tiết kiệm được thời gian và chủ động trong công việc chăm sóc cà phê.
Anh Y Thiêm cho hay: “Gia đình tôi được đầu tư cho hệ thống tưới và phân bón, giúp thuận lợi hơn trong việc chăm sóc vườn cây. Nhờ hệ thống tưới phun mưa đều khắp cả vườn, cà phê chống chịu nắng hạn lâu hơn”.
Còn gia đình bà Lương Thị Mùi ở thôn 3, xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút cũng được Dự án chọn xây dựng “Điểm học tập cộng đồng” (CRA) tại vườn trồng sầu riêng, bơ trồng xen trong vườn cà phê.
“Điểm học tập cộng đồng” này được dự án hỗ trợ đầy đủ từ vật tư nông nghiệp đến hệ thống tưới nước tiết kiệm để người dân trong vùng đến tham quan và học tập.
Bà Mùi cho biết: “Từ khi có hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp bón phân tự động, tôi không phải đi tưới từng gốc. Hệ thống tưới tự động giúp tiết kiệm được một nửa thời gian so với tưới thủ công, nên không lãng phí nguồn nước”.
Ông Phạm Hùng Vỹ cho hay: “Trước tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, nguồn nước tại Đắk Nông trở nên khan hiếm, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Dự án nhằm trang bị cho các nông hộ nhỏ, đặc biệt là những hộ dễ bị tổn thương, các kiến thức và kỹ năng cần thiết để thích ứng với tình trạng này”.
Tại các địa điểm CRA, Dự án SACCR đã tổ chức 190 lớp tập huấn tại 3 huyện Cư Jút, Đắk Mil, Krông Nô, với 3.799 lượt học viên tham gia. Trong đó, nữ trụ cột là 2.354 người và hộ dân tộc thiểu số là 2.841 người.
Qua khảo sát, mô hình tưới nước tiết kiệm tại các điểm học tập CRA giúp tiết kiệm 10% lượng nước sau mỗi lần tưới, giảm từ 10 – 15% phân bón và năng suất tăng 15 – 20% so với canh tác truyền thống.
Một trong những hoạt động chính của dự án là hỗ trợ nông nghiệp thông qua phiếu đổi hàng cho 2.098 hộ sản xuất nhỏ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, và nữ trụ cột trong 3 niên vụ (mỗi hộ được hỗ trợ 5 triệu đồng/vụ).
Trong năm 2024, dự án sẽ triển khai 5 đợt hỗ trợ các loại vật tư nông nghiệp như: phân bón NPK, phân hữu cơ vi sinh, vôi bột nông nghiệp… với tổng kinh phí dự kiến khoảng 10,93 tỷ đồng.
Đây là các loại vật tư rất cần thiết góp phần tăng năng suất cây trồng, cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hộ nghèo, khó khăn ở 3 huyện vùng dự án.
Nguồn: https://baodaknong.vn/du-an-saccr-cai-thien-sinh-ke-cho-ho-ngheo-dak-nong-233406.html