Trong bức tranh đa sắc màu văn hóa ở Đắk Nông, ngoài nét đẹp truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ, những giá trị văn hóa đến từ đồng bào các DTTS phía Bắc không chỉ được bảo tồn mà còn hòa quyện, góp phần làm phong phú thêm cho kho tàng văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh.
Cũng như các dân tộc anh em khác, đồng bào các dân tộc phía Bắc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Nông như Tày, Nùng, Mông, Dao, Mường, Thái… có vốn văn hóa truyền thống vô cùng phong phú, đa dạng, mang nét đặc trưng riêng.
Qua thống kê, hiện nay số lượng đồng bào các DTTS phía Bắc định cư tại Đắk Nông chiếm khoảng 20% dân số. Cùng với đóng góp công sức xây dựng quê hương mới trên nhiều lĩnh vực, đồng bào các DTTS phía Bắc đã mang đến vùng đất Đắk Nông nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc như lễ hội, nghệ thuật diễn xướng, nghệ thuật ẩm thực và nghề thủ công…
Khi đến với quê hương thứ hai của mình ở Đắk Nông, nhiều bà con dân tộc Thái, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương giúp gìn giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống.
Nhiều năm qua, ngôi nhà nhỏ của bà Lang Thị Minh ở thôn Đắk Thanh đã trở thành điểm sinh hoạt quen thuộc thuộc của câu lạc bộ (CLB) văn nghệ dân gian của người Thái. Không loa đài, không sân khấu, trong những bộ trang phục rực rỡ sắc màu, vào các buổi tối cuối tuần, những “nghệ sĩ nông dân” lại say sưa với làn điệu hát Khắp sau những ngày miệt mài với nương rẫy.
Bà Lang Thị Minh chia sẻ: “Với người Thái chúng tôi, những làn điệu Khắp như cơm ăn, nước uống hằng ngày. Từ nhỏ theo mẹ ra đồng, thấy các bà, các mẹ hát khắp, tôi đã học theo. Lớn lên thì đi học hát theo các bác ở trong bản, trong làng. Cứ thế, nó đã ngấm vào da thịt vào trái tim của tôi”.
Để giữ gìn nét văn hóa truyền thống, những năm qua, xã Nam Xuân luôn chú trọng xây dựng, hỗ trợ phát triển các CLB, các nhóm, đội văn nghệ dân gian.
Đến nay, toàn xã có 6 CLB, đội văn nghệ. Các thành viên là những người có độ tuổi khác nhau nhưng cùng chung sở thích, say mê các làn điệu dân ca và truyền lại cho thế hệ trẻ.
Theo ông Vi Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Xuân, chính quyền địa phương luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi người dân có ý thức gìn giữ văn hóa dân tộc, nâng cao trách nhiệm của mỗi công dân. Hàng năm, xã Nam Xuân thường xuyên tổ chức hội thi hội diễn, phục dựng lại các lễ hội văn hóa của các dân tộc, trong đó có dân tộc Thái. Qua các hội thi, hội diễn, đồng bào Thái đã góp phần làm phong phú thêm các giá trị văn hóa cho địa phương”.
Còn tại huyện Đắk Glong, hơn 20 năm qua, khi vào sinh sống, lập nghiệp trên quê hương thứ 2 Đắk Nông, đồng bào dân tộc Mông luôn giữ gin các nét đẹp văn hóa truyền thống, được phát huy, sáng tạo tích cực qua các thế hệ.
Đời sống tinh thần của đồng bào Mông tại Đắk Nông cũng hết sức phong phú, được thể hiện qua phong tục tập quán, quan niệm về trời đất và con người, vạn vật. Vì vậy cứ vào dịp lễ, tết, sau một mùa vụ, con cháu sẽ chuẩn bị lễ vật dâng lên mời tổ tiên về hưởng cùng con cháu. Thờ cúng tổ tiên vừa là báo đáp công ơn, vừa cầu mong tổ tiên che chở, phù hộ cho con cháu luôn được mạnh khỏe, cho cây cối, vật nuôi phát triển.
Người Mông còn có kho tàng thơ ca như thần thoại, truyện cổ tích, dân ca, tục ngữ, truyện thơ, sử thi… Dân ca Mông cũng có nhiều loại như dân ca giao duyên, dân ca nghi lễ…. Ngoài ra, người Mông trên địa bàn tỉnh còn có 3 chợ phiên lớn như: Chợ phiên xã Cư K’nia, huyện Cư Jút; chợ phiên Đắk R’măng, chợ phiên Đắk Som, huyện Đắk Glong.
Tại chợ phiên hầu như mặt hàng nào cũng có, nhưng nhiều nhất là các sản phẩm mang đậm nét văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán sản xuất của đồng bào như trang phục, giày dép, đến những món ăn đặc trưng thắng cố, xôi nếp cẩm, mèn mén… Tất cả tạo nên không gian văn hóa rất riêng của phiên chợ trên vùng đất Đắk Nông.
Không chỉ có dân tộc Thái, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô hay dân tộc Mông ở huyện Đắk Glong, nhiều đồng bào DTTS phía Bắc khác như Tày, Nùng, Dao, Cao Lan… vẫn giữ gìn được nhiều giá trị văn hóa truyền thống như Lễ cấp sắc, Lễ cầu mùa của người Dao; Lễ hội Lồng tồng của người Tày, Nùng…
Âm nhạc dân gian và các hình thức nghệ thuật truyền thống như hát then, hát lương của dân tộc Tày; khục xưa, khục lét của dân tộc Thái đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống tâm linh và giải trí của đồng bào. Những giai điệu âm nhạc với đàn tính, khèn lá hay các điệu múa truyền thống không chỉ là di sản của quá khứ mà còn là nguồn cảm hứng cho nhiều hoạt động nghệ thuật hiện đại.
Tại Đắk Nông, các lễ hội truyền thống các DTTS phía Bắc thường xuyên tổ chức đã giúp gắn kết người dân trong vùng và tạo sự giao lưu văn hóa. Những sự kiện như ngày hội văn hóa các dân tộc, liên hoan hát Then – đàn Tính… đã trở thành những hoạt động không thể thiếu, thu hút người dân và du khách khắp nơi.
Hiện nay, các cấp chính quyền Đắk Nông đang tập trung bảo tồn gìn giữ nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII của Đảng.
Để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS trên địa bàn tỉnh nói chung, đồng bào DTTS phía Bắc nói riêng, thời gian qua, các cấp chính quyền, ngành liên quan tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để bảo tồn, phát huy như: Sưu tầm, lưu giữ các giá trị văn hóa của các dân tộc bằng hình thức ghi chép, ghi hình, ghi âm, chụp ảnh, sưu tầm hiện vật gốc… để bảo quản lâu dài trong bảo tàng, thư viện tỉnh.
Tỉnh khuyến khích việc sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, thống kê, phân loại, lưu truyền, trao đổi, giao lưu văn hóa với các bạn trong khu vực và trong cả nước. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng trong cộng đồng thường xuyên được tổ chức. Trong đó, chú trọng khai thác chất liệu dân gian; khôi phục một số lễ hội truyền thống, các bài dân ca, các điệu dân vũ, các trò chơi dân gian, các lễ hội…
Bên cạnh đó, chính quyền các cấp, ngành chức năng chú trọng phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng như trưởng bản, trưởng bon, già làng, nghệ nhân nhân dân, trưởng họ, thầy cúng … Đội ngũ này phát huy vai trò trong thuyết phục cá nhân, cộng đồng thấy rõ tác hại của những phong tục, tập quán lạc hậu, lỗi thời, gây cản trở sự phát triển, như tục hôn nhân cận huyết thống, nạn tảo hôn, sinh đẻ không có kế hoạch,… để loại bỏ dần. Họ còn động viên người dân thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, xây dựng đời sống mới ấm no, hạnh phúc.
Theo ông K’Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, là xã có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, thời gian qua, các cấp chính quyền luôn quan tâm, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mình. Khi cộng đồng người Mông xã Đắk Som có ý tưởng xây dựng Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng, xã sẵn sàng ủng hộ, tạo điều kiện cho người dân hoạt động để bảo tồn, phát huy, giới thiệu văn hóa truyền thống tốt đẹp của mình đến với du khách. Đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế vùng phát triển…
Theo Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Nông, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được phục dựng, tổ chức, trong đó có đến hơn một nửa là lễ hội văn hóa của các dân tộc phía Bắc. Cụ thể như Lễ hội Lồng tồng của người Tày, Nùng, Mông; Lễ hội cúng lúa mới của người Thái, Lễ cấp sắc của người Dao, Lễ hội Tả Tài phán của người Hoa hay Lễ Tu Ju của người Mông…
Bà Lê Thị Trúc Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Nông cho biết: Thời gian qua, sở đã kịp thời tham mưu ban hành các đề án, kế hoạch nhằm định hướng, đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, trong đó có văn hóa các dân tộc phía Bắc, đặc biệt là lễ hội. Lễ hội không chỉ góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn trở thành yếu tố độc đáo có sức cuốn hút khách du khách đến với Đắk Nông. Từ đó, góp phần làm thay đổi bộ mặt, đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động này còn giúp đồng bào thể hiện tinh thần đoàn kết, tình cảm gắn bó cộng đồng, với tâm thức dù ở đâu đi chăng nữa cũng là quê hương, đất nước thân yêu, đều cùng một bọc sinh ra.
“Việc bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc phía Bắc tại Đắk Nông không chỉ giữ gìn giá trị di sản quý báu mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững. Đây là nền tảng để xây dựng một Đắk Nông đa dạng, giàu bản sắc và gắn kết đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng các dân tộc anh em”, bà Linh khẳng định.
Nội dung, ảnh: Y Krăk
Trình bày: Phong Vũ
Nguồn: https://baodaknong.vn/dong-bao-phia-bac-lam-giau-van-hoa-truyen-thong-tai-dak-nong-238057.html