Thay đổi tập quán sản xuất, đa dạng các mô hình kinh tế
Mô hình trồng cà phê kết hợp chăn nuôi bò, dê của ông Y Tio, bon Broih, thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) trở thành mô hình tiêu biểu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương. Với diện tích 3 ha đất trước kia chỉ trồng mỳ, bắp hiệu quả kinh tế thấp, gia đình Y Tio mạnh dạn chuyển sang trồng cà phê, kết hợp chăn nuôi.
“Ban đầu, việc chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao, tôi gặp không ít khó khăn, nhất là thiếu vốn, khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, dần dần, được sự hỗ trợ của chính quyền, các ngành chức năng, gia đình tôi đã vượt qua và đạt được kết quả khả quan”, ông Y Tio cho biết thêm.
Sau nhiều năm nỗ lực lao động, sản xuất, đến nay, gia đình ông Y Tio có 3.000 cây cà phê kinh doanh, mỗi năm thu hoạch được hơn 10 tấn cà phê nhân. Đồng thời, ông Y Tio còn chăn nuôi 5 con bò và hàng chục con dê sinh sản. Hiện nay, gia đình ông Y Tio không chỉ vượt qua giai đoạn khó khăn, thoát khỏi cảnh nghèo mà đã có của ăn của để.
Ông Y Thư, Trưởng bon Broih, thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) chia sẻ: “Trước đây, cuộc sống của gia đình ông Y Tio rất khó khăn, mùa mưa phải vào rừng lấy măng để ăn, rồi đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Nhờ cần cù, nỗ lực tích lũy tiền bạc, chuyển đổi cây trồng cùng với sự giúp sức của chính quyền địa phương, Ngân hàng Chính sách Xã hội, ông Y Tio được tập huấn khoa học kỹ thuật, vay vốn làm ăn. Việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp từng bước cho hiệu quả kinh tế cao. Cuộc sống của gia đình ông Y Tio có nhiều đổi thay. Mô hình trồng trọt, chăn nuôi của ông Y Tio được bon lựa chọn làm mô hình điểm để cho bà con nghèo nơi đây học tập”.
Thay đổi nhận thức, không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều nông dân DTTS thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng. Không chỉ các hội viên nông dân, phụ nữ, người cao tuổi, đội ngũ thanh niên người DTTS cũng ngày càng đổi mới, linh động, sáng tạo trong làm kinh tế. Qua đó xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên DTTS làm kinh tế giỏi.
Với 5 ha đất trước kia chỉ trồng mỳ, anh Lý Văn Hiếu, dân tộc Tày ở thôn Tân Tiến, xã Quảng Khê (Đắk Glong) mạnh dạn chuyển sang trồng cà phê, hồ tiêu, sầu riêng và rau màu các loại. Tranh thủ các nguồn vốn vay của Nhà nước, anh Hiếu gây dựng được 1 ha hồ tiêu, 2 ha cà phê, 1 ha chanh dây, gần 150 cây sầu riêng. Đồng thời, anh còn chăn nuôi gà, dê sinh sản, trồng nhiều loại rau màu để vừa cải thiện đời sống, vừa lấy ngắn nuôi dài, tăng thêm thu nhập. Với mô hình kinh tế của mình, anh Hiếu có nguồn thu ổn định hơn 500 triệu đồng/năm. Mô hình vườn mẫu của trở thành mô hình tiêu biểu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của xã.
Đóng góp cho sự phát triển địa phương
Không chỉ thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều hộ DTTS thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết giúp đỡ các hộ nghèo về vốn, giống, lao động, kỹ thuật. Các hộ khá, giàu đã giúp đỡ hộ nghèo, hộ khó khăn về vốn, giống, kỹ thuật, ngày công lao động…
Điển hình như hộ ông K’Sớ, bon B’Dơng, xã Quảng Khê (Đắk Glong) với mô hình trồng trọt và chăn nuôi bò cho thu nhập cao và ổn định, bình quân 900 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho 7 lao động, giúp đỡ 5 hộ nghèo cùng phát triển sản xuất để thoát nghèo. Hay trường hợp bà H’Loan (B Ya), dân tộc M’nông ở bon Sa Nar, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) có thu nhập bình quân 1,5 tỷ/năm; giúp đỡ được 21 hộ nghèo; tạo việc làm cho 25 lao động; giúp đỡ vốn sản xuất cho 190 hộ tại địa phương…
Nhiều nông dân DTTS sản xuất giỏi còn trở thành hạt nhân đoàn kết, có uy tín trong cộng đồng dân cư. Ở huyện Tuy Đức, các hộ được giúp đỡ thoát nghèo bền vững nay trở thành những hộ tiên phong trong phong trào hiến đất, ủng hộ tiền như: hộ ông Điểu N’Sế, thôn Đắk Soun, xã Quảng Tân hiến 2.000m2 đất để xây trạm xá; hộ bà Thị BRen, thôn Đắk Soun, xã Quảng Tân hiến 2.000m2 đất để xây trường tiểu học; hộ ông Lý Sở, xã Đắk Ngo tự bỏ tiền ra làm cầu để người dân qua lại…
Y Thị Loan, dân tộc Mường, bon B’Dơng, xã Đắk Som (Đắk Glong) có 7 năm liền (2015 – 2021) đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp và 4 năm liền (2018 – 2021) đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh và cấp Trung ương. Gia đình bà có thu nhập hơn 900 triệu đồng nhờ trồng trọt cà phê, hồ tiêu kết hợp chăn nuôi gà, heo rừng.
Trong quá trình sản xuất, bà sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm làm ăn để cùng nhau phát triển kinh tế; nâng cao đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo. Nhằm tạo điều kiện và giải quyết việc làm cho các hộ khó khăn ở địa phương, bà hướng dẫn cho 10 hộ dân về chăn nuôi gà và heo rừng. Trong đó có 4 hộ là người đồng bào DTTS tại chỗ và 6 hộ là người dân tộc Mông ở khu vực Đắk Nang. Bà còn hỗ trợ phân gà cho một số hộ DTTS để chăm bón cây trồng.
Dù bằng nhiều con đường khác nhau dẫn đến thành công, song nét chung nhất của các gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi trong đồng bào DTTS là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên. Họ luôn chủ động, sáng tạo, mạnh dạn, chịu khó, biết tận dụng thời cơ, thế mạnh để sản xuất, làm ăn có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho gia đình, vươn lên thoát nghèo.
Toàn tỉnh Đắk Nông có 191 hộ nông dân đồng bào DTTS được công nhận đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh” giai đoạn 2017 – 2022. Đây cũng là lực lượng nòng cốt, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Qua đó góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.