Những năm qua, phong trào văn nghệ quần chúng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số có bước phát triển về số lượng và chất lượng. Các đội văn nghệ dân gian ở các thôn, buôn, bon, bản đã tập hợp những nghệ nhân am hiểu văn hóa truyền thống, biết sử dụng cồng chiêng, hát dân ca, dân vũ…, góp phần “giữ lửa” văn hóa ở cơ sở.
Hầu hết các đội văn nghệ dân gian (VNDG) đều hoạt động trên tinh thần tự nguyện và tham gia tích cực trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với sự nhiệt tình, tâm huyết với văn hóa truyền thống, họ chính là những người “giữ lửa” và “truyền lửa” cho cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ có thêm niềm đam mê trong việc tiếp nối cha anh, cùng chung sức gìn giữ văn hóa dân tộc.
Huyện Cư Jút hiện có hơn 25 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 50,7%. Những năm qua, chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các đội VNDG hoạt động, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Điển hình như Đội VNDG buôn Nui, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút hiện có 20 thành viên tham gia sinh hoạt. Vào các ngày cuối tuần, các thành viên cùng với nghệ nhân trong buôn luyện tập đánh cồng chiêng, mỗi khi địa phương có hoạt động gì thì tiếng cồng chiêng, điệu hát Ay ray lại ngân vang khắp buôn làng.
Đội văn nghệ hoạt động chủ yếu theo các nhóm như: Hát và truyền dạy các bài hát dân ca Ê đê; chế tác và biểu diễn các loại nhạc cụ; đánh cồng chiêng và sáng tác những bài chiêng mới; ẩm thực; dệt thổ cẩm; đội múa…
Đặc biệt, với sự luyện tập không mệt mỏi, đội Đội VNDG buôn Nui đã đi biểu diễn nhiều tại các lễ hội, hội thi, hội diễn tại địa phương, tỉnh, khu vực và đạt nhiều thành tích cao.
Nghệ nhân ưu tú Y Sim Êban, thành viên Đội VNDG buôn Nui cho biết: “Được sự quan tâm, vận động của chính quyền các cấp mà buôn đã thành lập đội VNDG. Cùng với việc tích cực truyền dạy đánh cồng chiêng, luyện tập dân ca dân vũ, các thành viên trong đội còn luôn chia sẻ kinh nghiệm làm ăn để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Lớp trẻ cũng nhận ra những giá trị vô giá của văn hóa truyền thống dân tộc mình nên đã ra sức giữ gìn, phát huy”.
Tương tự, Đội VNDG liên bon Bu Đắk, Sar Pa, xã Thuận An, huyện Đắk Mil được thành lập trên cơ sở tập hợp những người yêu thích văn hóa truyền thống của người M’nông gồm 30 thành viên. Ngoài việc tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ do địa phương tổ chức thì đội còn truyền dạy cho các bạn trẻ trong bon làng.
Anh Y A Rôn, Chủ nhiệm Đội VNDG liên bon Bu Đắk, Sar Pa cho hay: “Chính niềm đam mê cồng chiêng, múa hát đã đưa các thành viên tụ họp, quây quần bên nhau để cùng học hỏi kinh nghiệm, truyền cho nhau nhiều kỹ năng biểu diễn quan trọng. Mỗi thành viên cũng tích cực trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ những kinh nghiệm, kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng”.
Theo ông Trần Đình Ninh, Trưởng Phòng VHTT huyện Đắk Mil, thời gian qua, các câu lạc bộ, đội VNDG trên địa bàn huyện không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống DTTS, mà còn hỗ trợ các thành viên phát triển sản xuất nhằm giảm nghèo bền vững. Địa phương chú trọng mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ truyền dạy văn hóa phi vật thể để các thành viên tại các đội VNDG phát huy tối đa trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Được biết, không chỉ riêng đội VNDG DTTS tại chỗ, thời gian qua, nhiều câu lạc bộ, đội VNDG đồng bào dân tộc phía Bắc như: Câu lạc bộ đàn Tính – hát Then Hoa Bằng Lăng Tím dân tộc Tày, thôn 9, xã Nam Dong, huyện Cư Jút hay Đội NVDG dân tộc Thái, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô… cũng đã góp phần to lớn trong việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn tỉnh.
Thông các hội thi, hội diễn tại địa phương, trong tỉnh, khu vực và toàn quốc đã quảng bá đến người dân, du khách trong, ngoài tỉnh, quốc tế biết được hình ảnh, văn hóa, con người giàu bản sắc, thân thiện của vùng đất Đắk Nông.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông (VHTT-DL), toàn tỉnh hiện có 79 câu lạc bộ, đội VNDG, với sự tham gia của hơn 194 nghệ nhân. Những nghệ nhân này không chỉ thành thạo chế tác, biểu diễn nhạc cụ dân tộc mà còn lưu giữ các loại hình nghệ thuật truyền thống quý hiếm. Trong đó, nổi bật là 12 nghệ nhân hát kể sử thi Ot N’drong M’nông, 69 nghệ nhân chơi đàn Tính – Hát Then và 32 câu lạc bộ hoạt động đa dạng như: cồng chiêng, dân ca M’nông, dân vũ, dệt thổ cẩm, làm rượu cần…
Thời gian qua, ngành Văn hóa tỉnh đã kịp thời phối hợp với các địa phương hỗ trợ xây dựng, thành lập được nhiều câu lạc bộ văn nghệ, đội VNDG tiêu biểu; quan tâm, tạo điều kiện cho các đội VNDG hoạt động. Hầu hết các đội văn nghệ đều hoạt động trên tinh thần tự nguyện. Nhiều nghệ nhân nỗ lực truyền dạy cho các thành viên. Già làng, trưởng thôn, buôn, bon đã tích cực phối hợp cùng địa phương tuyên truyền đồng bào DTTS giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc mình.
Các đội VNDG luôn bám sát định hướng hoạt động phục vụ các sự kiện, kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh, địa phương. Đặc biệt, tại các điểm du lịch cộng đồng, đội VNDG giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Đắk Nông tới khách du lịch.
Không chỉ nghề truyền thống, nhiều di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS cũng đang được các đội VNDG bảo tồn, phát huy hiệu quả. Đặc biệt là, nhờ nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc, nhất là nguồn lực Dự án 6 đã tạo điều kiện cho nhiều câu lạc bộ, đội VNDG tại các thôn, buôn, bon đồng bào DTTS ra đời.
Nhiều đội VNDG đã được hỗ trợ các trang thiết bị luyện tập, biểu diễn; tổ chức các tập huấn kỹ năng diễn tấu cồng chiêng, truyền dạy văn hóa phi vật thể, hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống… Thông qua hoạt động của các đội VNDG, nhiều thanh, thiếu niên được truyền dạy đánh cồng chiêng, múa xoang, nhạc cụ truyền thống,…
Tuy vậy, để duy trì hoạt động, các thành viên đội VNDG vẫn còn gặp không ít khó khăn về kinh phí mua sắm các thiết bị cần thiết như: loa đài, ánh sáng, nhạc cụ, đạo cụ, trang phục… Điều này làm hạn chế hiệu quả hoạt động của các đội VNDG. Bên cạnh đó, nhiều đội VNDG còn hoạt động cầm chừng, theo mùa vụ, chưa được thường xuyên. Khi nào có chương trình, hội thi, hội diễn mới tập hợp thành viên luyện tập nên hiệu quả chưa cao.
Ngoài ra, các tiết mục văn nghệ chủ yếu do các thành viên trong đội dàn dựng, tập luyện, biểu diễn, chưa qua đào tạo nên chất lượng chưa cao. Nội dung và hình thức hoạt động của các đội VNDG chưa phong phú. Còn tại nhiều điểm du lịch cộng đồng, dù có đội VNDG hoạt động nhưng vẫn chưa khai thác hết các tiềm năng, lợi thế của văn hóa, nhất là chương trình phục vụ cho phát triển du lịch.
Theo ông Nghiêm Đình Hiếu, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa-lịch sử truyền thống trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Nhiều câu lạc bộ văn nghệ, đội VNDG phát huy giá trị, góp phần giữ gìn tốt đẹp các giá trị văn hóa truyền thống.
Để các đội VNDG phát huy, “giữ lửa” văn hóa cộng đồng, ngành Văn hóa tiếp tục phối hợp với các địa phương chủ động trao đổi, nắm bắt thông tin, phát hiện các khó khăn, vướng mắc. Từ đó, góp phần tích cực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.
Y Krắk
Nguồn: https://baodaknong.vn/doi-van-nghe-dan-gian-giu-lua-van-hoa-cong-dong-238573.html