Đối mặt nhiều khó khăn
Thời gian gần đây, giá cước tàu biển bất ngờ tăng vọt, biến động hàng ngày khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Đắk Nông gặp nhiều khó khăn. Chi phí vận chuyển hàng hóa bị đội lên cao, nhiều đơn hàng bị chậm trễ.
Sản phẩm hạt điều nhân xuất khẩu của Công ty TNHH Hồng Đức, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) đang bị ảnh hưởng trầm trọng bởi tốc độ tăng chóng mặt của cước tàu biển.
Bắt đầu từ tháng 5-6/2024, công ty hầu như không xuất được container hàng nào. Điều này dẫn đến hoạt động sản xuất của đơn vị phải ngưng trệ hơn 2 tuần nay.
Giám đốc Công ty TNHH Hồng Đức Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho hay: “Giá cước tàu đi Mỹ và châu Âu bình thường 1.500 USD nhưng nay tăng lên 4.000 USD/container. Không chỉ giá cước, công ty còn khó khăn cả trong việc tìm kiếm tàu để chở hàng”.
Cũng theo bà Nguyệt, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên thị trường Trung Quốc đang tiêu thụ hạt điều chậm lại. Do đó, hàng hóa của công ty xuất khẩu sang thị trường này bị giảm mạnh.
“Cước vận chuyển tăng cao, thị trường tiêu thụ chậm khiến cho sản lượng hàng hóa của công ty trong 6 tháng đầu năm giảm tới 30% so với kế hoạch”, bà Nguyệt cho hay.
Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân, xã Đắk Nia (TP. Gia Nghĩa) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Công ty đang phải gồng mình sản xuất, chấp nhận các chi phí phát sinh để giữ đơn hàng.
Bà Lầu Kiều Vân, giám đốc công ty thông tin, đang vào mùa thu hoạch của một số loại trái cây chủ chốt, nên đơn hàng luôn bảo đảm.
Tuy nhiên, do giá vận chuyển xuất khẩu tăng quá cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận của công ty.
“Cước tàu biển biến động từng ngày. Hãng tàu báo giá theo tuần, chứ không còn kéo dài như trước từ 15 ngày đến 1 tháng. Tháng 6/2024, công ty được báo giá cước tàu đi Canada vào khoảng 7.500 USD/container. Đến đầu tháng 7/2024, giá cước này được báo lên 11.800 USD”, bà Vân cho biết.
Theo bà Vân, giá cước tăng cao khiến các đơn hàng đi các nước Nga, Mỹ của công ty giảm mạnh. Trung bình mỗi tháng, công ty xuất khẩu khoảng 4 container hàng đi các nước, tương đương 108 tấn/tháng.
Tuy nhiên, những tháng gần đây, nhiều đơn hàng buộc phải hoãn, lùi thời gian giao cho đối tác. Thông thường thời gian vận chuyển hàng qua Canada mất 45 ngày, nhưng hiện nay có thể kéo dài gấp đôi, gấp ba so với trước.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp cho biết, các hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Đắk Nông nói riêng sang các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ… đều phụ thuộc vào hãng tàu nước ngoài. Vì vậy, mỗi năm, giá cước tàu biển tăng cao đều có dấu mốc đáng nhớ.
Chẳng hạn năm 2021, giá cước tàu biển tăng do dịch Covid-19 dẫn đến thiếu container rỗng. Đến năm 2022, giá cước tăng do ảnh hưởng của chiến tranh Nga và Ukraine. Và đầu năm 2024, giá cước vận tải biển chịu ảnh hưởng bởi căng thẳng Biển Đỏ…
“Chi phí vận chuyển hiện chiếm trên 15% giá thành sản phẩm. Nhưng toàn bộ container rỗng hiện đang tập trung hết về Trung Quốc do chi phí cao hơn các nước khác. Do vậy, sắp tới dự đoán ở Việt Nam sẽ rất thiếu container rỗng, đẩy giá cước tàu biển tiếp tục tăng”, bà Nguyệt lo ngại.
Chắt chiu cơ hội
Bà Lầu Kiều Vân, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân chia sẻ, một số doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, nông sản đang lên kế hoạch chuyển hàng bằng máy bay.
Còn đối với chúng tôi có thể sẽ phải tạm ngưng xuất khẩu với những đơn hàng kém quan trọng hoặc xin giãn thời gian giao hàng.
Thay bằng xuất trái cây tươi, công ty tập trung cho sản phẩm cấp đông. Bởi thời gian bảo quản cho hàng cấp đông có thể kéo dài tới tận 24 tháng mà không ảnh hưởng tới chất lượng.
“Với những giải pháp tạm thời trên, công ty hy vọng sẽ từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn này”, bà Vân cho hay.
Thị trường tiêu thụ chậm, giá sản phẩm tăng cao, hàng hóa xuất đi các nước châu Âu gặp khó, nên Công ty TNHH Hồng Đức đang cố gắng để duy trì công suất, sản lượng, doanh thu như năm trước.
Công ty cũng đang chuyển hướng sang thị trường nội địa, để giảm bớt chi phí vận chuyển. Nếu như trước đây, 100% sản lượng hàng hóa của doanh nghiệp phục vụ cho thị trường xuất khẩu thì nay có tới hơn 10% tổng sản phẩm đang cung cấp cho thị trường trong nước.
Ngoài ra, công ty đang tập trung các đơn hàng đi các nước Trung Đông. Công ty chấp nhận giá cước, ưu tiên giao hàng cho những đối tác đã ký hợp đồng trước đó để tránh thiệt đơn, thiệt kép.
Năm 2024, ngành Công thương Đắk Nông đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 1.012 triệu USD. Để hoàn thành mục tiêu này, kim ngạch xuất khẩu trung bình mỗi tháng còn lại của năm phải đạt 98,66 triệu USD. Trong bối cảnh này, đây là con số đầy thách thức.
Để dồn sức cho xuất khẩu các tháng còn lại của năm, ngành Công thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường và những thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp. Từ đó, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới.
Đồng thời, ngành Công thương tiếp tục thông tin về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để giúp các doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng.
Ngành Công thương thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài, các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Qua đó có những khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu.
Đắk Nông hiện có thị trường xuất khẩu mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các thị trường ở Singapore, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Philippines, Nhật Bản… chiếm tỷ trọng cao và ổn định nhất. Đóng góp lớn vào thành tích xuất khẩu của Đắk Nông chủ yếu là nông sản, chiếm trên 50% giá trị các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh..
Nguồn: https://baodaknong.vn/doanh-nghiep-xuat-khau-dak-nong-gong-minh-vuot-kho-221332.html