Tham gia diễn đàn, doanh nghiệp các tỉnh, thành phố đã đóng góp nhiều ý kiến kết nối, tiêu thụ nông sản Đắk Nông.
Mong muốn nông sản đạt tiêu chuẩn chất lượng
Ông Nguyễn Duy Đa, Giám đốc Công ty Cổ phần Viên Sơn (Lâm Đồng) chuyên thu mua, chế biến, xuất khẩu nông sản chia sẻ: “Thời gian qua, chúng tôi đã đồng hành cùng nông dân Đắk Nông và các tỉnh trong xuất khẩu khoai lang Nhật Bản. Hàng năm, chúng tôi thu mua khoảng 20.000 tấn sản phẩm. Thông qua diễn đàn, chúng tôi mong được kết nối với nông dân, các doanh nghiệp xây dựng nguồn nguyên liệu ổn định để xuất khẩu. Công ty sẽ tạo điều kiện hỗ trợ kỹ thuật, giống, bao tiêu sản phẩm và đồng hành với nông dân Đắk Nông để đầu ra ổn định”
Anh Trần Danh Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Fruit Share (TP. Hồ Chí Minh) cho biết đã đồng hành cùng nông dân Đắk Nông tiêu thụ, xuất khẩu nông sản từ năm 2008 đến nay. “Từ hoạt động thực tế, chúng tôi thấy Đắk Nông có tiềm năng phát triển cây ăn trái, chất lượng ngon. Để mở rộng thị trường, nông dân Đắk Nông nên chú trọng sản xuất theo các tiêu chuẩn, chất lượng của đối tác và hợp tác chặt chẽ để phát triển bền vững. Chanh dây, thanh long, măng cụt, vải thiều, bơ là những sản phẩm chúng tôi tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới”, anh Trần Danh Mạnh chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Mười, Trưởng cơ quan phía Nam Trung ương Hội làm vườn Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản là “nhân tố” quan trọng trong chuỗi liên kết. Người bán hàng rất quan trọng. Chúng ta có thể sản xuất ra hàng hóa nhưng không biết bán hàng thì rất khó khăn. Người bán hàng không biết chất lượng sản phẩm của người sản xuất ra thì càng khó khăn hơn. Doanh nghiệp đã giúp nông dân giải quyết khâu khó này bằng việc liên liên kết sản xuất. Do đó, nông dân, doanh nghiệp Đắk Nông cần chú trọng sản xuất sản phẩm theo chất lượng của các thị trường, đối tác.
Về phía Đắk Nông, các HTX đã thông tin hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thông qua diễn đàn, mong muốn kết nối tiêu thụ sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Sang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Ba Sang Đắk Som, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) thông tin, cây tre đã góp phần xóa đói, giảm nghèo cho các nông dân ở Đắk Glong. Tiềm năng phát triển cây trồng này khá lớn. Công ty đang sản xuất, chế biến các loại tre, măng tre. Chúng tôi rất mong muốn liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư, chế biến để đa dạng sản phẩm và mở rộng thị trường.
Ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc HTX Sản xuất đậu nành (Cư Jút) cho hay, hiện tại, HTX đang trồng 200 ha đậu phộng, trong đó 80 ha đã được chứng nhận VietGAP, tổng sản lượng khoảng 120.000 tấn khô. HTX đang cần kết nối đầu ra cho đậu phộng.
Ông Ngô Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT HTX Ngô Xuân (Đắk Mil) cho rằng, tỉnh cần chú trọng khâu cung cấp thông tin về thị trường các sản phẩm nông sản. Địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ việc trồng theo quy hoạch đối với từng cây trồng cụ thể để định hướng giúp nông dân sản xuất ổn định theo thị trường, đầu ra sản phẩm mới ổn định, cuộc sống nâng lên”.
Diễn đàn đã có 15 ý kiến của các doanh nghiệp, HTX đóng góp về kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản Đắk Nông.
Cơ hội tốt cho doanh nghiệp hợp tác, đầu tư vào nông nghiệp Đắk Nông
Phát biểu tại Diễn đàn, đồng chí Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã giới thiệu nhiều tiềm năng, lợi thế của tỉnh và đây là những cơ hội tốt cho doanh nghiệp đến Đắk Nông hợp tác, đầu tư, kết nối tiêu thụ nông sản.
Đắk Nông là cửa ngõ của Tây Nguyên với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đắk Nông có diện tích tự nhiên 650.927 ha, trong đó đất nông nghiệp 378.000 ha, chiếm 58%. Đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa là những lợi thế phát triển nông nghiệp sinh thái, thích hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị xuất khẩu cao.
Tiềm năng về sản xuất nông nghiệp của Đắk Nông lớn nhưng hiện nay sản xuất còn manh mún, chưa tập trung. “Đắk Nông xác định nông nghiệp là một trong 3 trụ cột của nền kinh tế. Quan điểm nhất quán của lãnh đạo tỉnh luôn ưu tiên vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản và cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để các dự án sớm được triển khai tại tỉnh Đắk Nông”, đồng chí Lê Trọng Yên nhấn mạnh.
Để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản trong thời gian tới, Đắk Nông xác định tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đắk Nông đẩy mạnh việc liên kết, xây dựng vùng sản xuất có quy mô lớn, phù hợp cho từng loại nông sản, xây dựng chuỗi giá trị cho các loại sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững. Tỉnh cơ cấu lại thị trường xuất khẩu cho từng loại sản phẩm nông nghiệp của tỉnh theo hướng đa dạng hóa thị trường.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với nông dân, HTX và đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, bảo quản nông sản trên địa bàn tỉnh. Tỉnh khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp, HTX đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, cơ giới hóa, tự động hóa dây chuyền chế biến nông sản để tạo ra sản phẩm có chất lượng, mẫu mã phong phú đáp ứng yêu cầu của thị trường.