Mua đến đâu bán đến đó
Hai năm trở lại đây, giá cà phê ở mức cao. Điều này thuận lợi cho nông dân. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này lại đối mặt với không ít những khó khăn.
Theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh nông sản, giá cà phê tăng cao, có những thời điểm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Chưa kể, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, trong khi, giá bán ra thị trường khó điều chỉnh kịp thời. Điều này dẫn đến một số doanh nghiệp gặp khó khăn.
Trước thực tế này, nhiều doanh nghiệp tại Đắk Nông đã, đang tìm cách thích ứng. Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) là một ví dụ.
Theo anh Phạm Văn Kha, Trưởng Phòng Kinh doanh, Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng, cho hay, bình quân công ty xuất ra thị trường từ 18.000 – 20.000 tấn cà phê/năm.
Vài năm nay, giá cà phê tăng cao, người dân thường bán cà phê tại vườn nên sản lượng thu mua của doanh nghiệp giảm. Chưa kể, tình trạng người dân ký gửi các doanh nghiệp không còn đông như trước. Một số người ký gửi, chốt giá, nhưng khi giao lại không đủ sản lượng.
“Năm 2023, nhiều thời điểm, doanh nghiệp đứt gãy cung ứng. Nguồn cung cho thị trường không có. Nhiều hợp đồng phải bỏ giữa chừng. Doanh nghiệp phải bù lỗ rất lớn”, ông Kha cho biết.
Rút kinh nghiệm, vụ mùa năm nay, Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng thay đổi phương thức. Doanh nghiệp không ký hợp đồng dài hạn cho đối tác. Thay vào đó, cứ thu mua được đến đâu, doanh nghiệp xuất bán tới đó.
“Điều này sẽ hạn chế được giá cà phê tăng cao đột biến. Tình trạng khan hiếm hàng, không đủ cung ứng sẽ không còn xảy ra”, ông Kha nhấn mạnh.
Không chỉ có Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng, nhiều doanh nghiệp nông sản ở Đắk Nông cũng có cách ứng xử tương tự khi giá cà phê tăng cao.
Đó là doanh nghiệp không ký hợp đồng cung ứng dài hạn với đối tác và thay vào đó là mua tới đâu, bán tới đó theo dạng cuốn chiếu để bảo đảm an toàn, giữ uy tín với đối tác.
Nâng cao giá trị cà phê
Cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ khi giá cà phê tăng từ năm 2023, Công ty TNNN MTV Thủy Sinh, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đã áp dụng nhiều giải pháp thích ứng.
Ông Trần Văn Tùng, Giám đốc Công ty chia sẻ, giá đầu vào tăng làm chi phí sản xuất tăng. Trong khi, giá cước vận chuyển cao, thiếu container, khiến việc giao hàng trở nên khó khăn hơn. Điều này càng làm nguồn cung bị gián đoạn.
“Thay vì sản xuất cà phê thô, chúng tôi đầu tư vào chế biến sâu như sản xuất cà phê hòa tan, cà phê rang xay chất lượng cao. Việc này giúp nâng cao giá trị sản phẩm, giảm tác động từ biến động giá nguyên liệu thô”, ông Tùng chia sẻ.
Theo ông Tùng, ngoài đi sâu vào khâu chế biến, công ty đang bước đầu sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tài chính, hợp đồng tương lai để cố định giá mua và giá bán. Doanh nghiệp xây dựng quỹ dự phòng để ứng phó với biến động bất thường.
“Để giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, chúng tôi tích cực tìm kiếm cơ hội ở những thị trường mới. Việc tham gia các hội chợ, xây dựng thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận được nhiều khách hàng hơn”, ông Tùng thông tin.
Thực tế, các doanh nghiệp nhỏ thường không có khả năng tiếp cận các nguồn vốn lớn để duy trì hoạt động khi giá nguyên liệu tăng. Nhiều doanh nghiệp buộc phải giảm quy mô sản xuất hoặc ngừng hoạt động.
Thực sự, giá cà phê liên tục tăng cao, nguy cơ thiếu nguồn hàng vẫn là một bài toán khó cho các doanh nghiệp kinh doanh nông sản. Trước thực tế này, đòi hỏi các doanh nghiệp có chiến lược phù hợp để có thể vượt qua giai đoạn này.
Theo thống kê sơ bộ của ngành chức năng, Đắk Nông có khoảng 1.300 đại lý, doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực mua bán, chế biến nông sản, trong đó có cà phê. Ngoài ra, tỉnh đang liên kết với hàng trăm đối tác thu mua, xuất khẩu nông sản.
Nguồn: https://baodaknong.vn/doanh-nghiep-dak-nong-xoay-chuyen-theo-ca-phe-235957.html