Lớn mạnh về quy mô
Đến nay, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 4.742 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 56.060 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 39.118 người. Bên cạnh đó, số lượng đơn vị trực thuộc của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) cũng đăng ký mới đáng kể với 3.530 đơn vị.
Các doanh nghiệp của tỉnh hoạt động đa dạng ở nhiều ngành nghề khác nhau. Cụ thể như: bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 2.116 doanh nghiệp; xây dựng: 712 doanh nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo: 417 doanh nghiệp; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản: 369 doanh nghiệp; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác: 209 doanh nghiệp; sản xuất phân phối, điện, nước, gas: 206 doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp đã tạo việc làm cho nhiều lao động trong, ngoài tỉnh và được phân bổ đều cho các ngành nghề chính như: bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 11.516 lao động; xây dựng: 5.936 lao động; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản: 5.390 lao động; công nghiệp chế biến, chế tạo: 5.350 lao động; sản xuất phân phối, điện, nước, gas: 2.939 lao động.
Vốn đăng ký của các doanh nghiệp ngày một tăng, tập trung vào các ngành nghề chính: nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản là 14.149 tỷ đồng; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản: 14.149 tỷ đồng; bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy: 12.743 tỷ đồng; sản xuất phân phối, điện, nước, gas: 6.056 tỷ đồng; dịch vụ lưu trú và ăn uống: 5.786 tỷ đồng; xây dựng: 4.936 tỷ đồng; công nghiệp chế biến, chế tạo: 4.036 tỷ đồng; kinh doanh bất động sản: 4.026 tỷ đồng.
Ngày đầu tái lập tỉnh, Đắk Nông chỉ có 18 doanh nghiệp tham gia hoạt động, với tổng vốn đăng ký là 177 tỷ đồng. So với
năm 2004, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đến nay đã tăng 4.724 đơn vị và số vốn đăng ký tăng 55.883 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động cũng có 1.013 doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả phải giải thể.
Những chính sách “dìu dắt”
Cùng với việc thực hiện các chính sách chung của Nhà nước, Đắk Nông đã ban hành những chính sách khuyến khích riêng, nhằm thu hút nhà đầu tư thông qua các quyết định về ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực.
Cụ thể, về lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao, tỉnh có những ưu đãi cho nhà đầu tư tại Quyết định số 01/2011/QĐ-UBND; lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế văn hóa, thể thao môi trường, tỉnh có chính sách ưu đãi theo Quyết định số 11/2011/QĐ-UBND; lĩnh vực công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ, tỉnh có chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư theo Quyết định số 21/2011/QĐ-UBND; tổng hợp về khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, tỉnh có Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 42/2019/NQ-HĐND… Phần lớn các nội dung của các quyết định ưu đãi đầu tư đều xoay quanh những vấn đề trọng tâm, nổi bật. Trong đó, đáng chú ý là về đất đai.
Cụ thể, đối với các dự án thuộc diện đặc biệt ưu đãi đầu tư mà phải thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng, UBND các cấp có trách nhiệm thực hiện công tác bồi thường thiệt hại cho các chủ sử dụng đất bị thu hồi theo chính sách đất đai hiện hành, để bàn giao quỹ đất sạch cho nhà đầu tư.
Với những dự án ưu đãi đầu tư, tỉnh sẽ hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao được thực hiện miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; cho thuê đất theo giá thấp nhất trong khung giá đất do tỉnh ban hành.
Đối với các dự án trong lĩnh vực giáo dục, y tế văn hóa trên địa bàn thành phố, các xã và trung tâm huyện sẽ được giảm 50% tiền sử dụng đất hoặc thuê đất. Những trường hợp còn lại sẽ được miễn 100%. Về hoạt động vay vốn cũng được tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển trên địa bàn. Trường hợp nhà đầu tư không vay được vốn từ các quỹ ưu đãi, mà vay vốn tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại khác để thực hiện dự án đầu tư thì được ngân sách hỗ trợ 50% mức chênh lệch lãi suất trong cùng thời điểm. Thời hạn được hỗ trợ chênh lệch lãi suất tiền vay không quá 5 năm, kể từ khi dự án đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động.
Với các dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, UBND tỉnh Đắk Nông sẽ căn cứ vào quy mô từng dự án để quyết định mức hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu đến chân khu vực thực hiện dự án. Trong đó, bao gồm: đường giao thông, thủy lợi, điện…
Trong đó, mức hỗ trợ tối đa cho một dự án lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao không quá 50% giá trị đầu tư xây dựng công trình và không quá 1 tỷ đồng; hỗ trợ dự án trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa là không quá 40% giá trị đầu tư xây dựng và không quá 2 tỷ đồng; lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ là không quá 20% giá trị xây dựng và tối đa là 1 tỷ đồng. Về hỗ trợ xây dựng thương hiệu, các nhà đầu tư sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% chi phí xây dựng thương hiệu và đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Đối với các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ, lao động thuộc diện hộ nghèo có hộ khẩu thường trú tại Đắk Nông…
Với kỳ vọng, doanh nghiệp là động lực mạnh mẽ của nền kinh tế, tại Chương trình “Cà phê Doanh nhân” mới đây, Giám đốc Sở KHĐT Trần Đình Ninh bày tỏ, doanh nghiệp của tỉnh hiện đông nhưng chưa mạnh. Đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ. Những “con sếu đầu đàn” chỉ mới đếm trên đầu ngón tay. Do vậy, cùng với các chính sách hỗ trợ, cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh muốn đi xa không thể đi một mình. Một vấn đề lớn đặt ra trong tình hình hiện nay là tinh thần đoàn kết, nhất là hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của nhau. Đoàn kết chính là yếu tố thành bại của doanh nghiệp, đoàn kết để làm doanh nghiệp lớn hơn.
Tỉnh cũng đang tiến hành xây dựng những chính sách mới phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn và quy định của pháp luật. Từ đó tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến và ở lại cùng xây dựng Đắk Nông ngày một phát triển.