Tăng nguồn lực sản xuất
Những ngày này, không khí sản xuất tại Công ty TNHH Thương mại dịch vụ An Phát, TP. Gia Nghĩa, diễn ra khá khẩn trương, nhộn nhịp.
So với ngày thường, lượng đơn hàng của doanh nghiệp đã tăng thêm 15%. Công ty tăng ca sản xuất liên tục mỗi ngày. Hiện tại, công ty đã tuyển thêm 5 nhân công làm việc thường xuyên. Dự kiến đến cuối năm, đơn vị sẽ tiếp tục tăng thêm gần 10 lao động để phục vụ sản xuất.
Giá của nhiều nguyên liệu kết hợp để làm bánh tăng 15% so với trước. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cân đối để hạn chế tối đa việc tăng giá bán cho khách hàng.
Trong năm, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để mua sắm các máy móc có công nghệ hiện đại, giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm như: máy sấy thăng hoa, máy chạy thanh, máy nướng, máy đảo…
Giám đốc công ty Trần Thị Dịu chia sẻ: “Doanh nghiệp đang tập trung triển khai các chính sách bán hàng thích ứng linh hoạt với nhu cầu thực tế tại các thị trường”.
Tương tự, Công ty Cổ phần đầu tư Long Huệ, huyện Tuy Đức cũng đang tất bật hoàn thiện đầu tư để sản xuất thêm một số sản phẩm mới như: sầu riêng, xoài, bơ phục vụ thị trường xuất khẩu.
Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp cung ứng ra cả thị trường trong và ngoài nước gần 2.000 tấn nông sản. Trong đó, 10% sản lượng cung ứng cho thị trường xuất khẩu.
Doanh nghiệp đã mua thêm một số máy móc như: tách màng, tách hạt… Đồng thời, mở rộng thêm kho chứa, kho lạnh, máy cấp đông… kịp thời phục vụ tăng tốc sản xuất.
Đồng hành với doanh nghiệp
Thông tin từ Sở Công thương cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, ngành đã và đang quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Trong đó, ngành Công thương xác định từ nay đến cuối năm tập trung vận động các doanh nghiệp phát huy cao nhất năng lực các sản phẩm hiện có. Đồng thời, tiếp tục theo dõi tình hình thị trường tiêu thụ để kịp thời tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
9 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp Đắk Nông tăng 3,99% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 2,79%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,92%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 5,86%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,86%.
Đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp Đắk Nông đã kết nối được với các bạn hàng để thực hiện chuỗi cung ứng sản phẩm. Các doanh nghiệp đã tích cực thực hiện xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường.
Nhiều doanh nghiệp tổ chức lại khâu sản xuất, tìm nguồn nguyên liệu phù hợp. Từ đó giúp giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.
Trong 9 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tương đối ổn định. Đa phần các sản phẩm tăng so với cùng kỳ năm trước. Các nhà máy sản xuất tinh bột sắn, alumin, thủy điện, điện mặt trời, điện gió… được huy động vận hành tối đa công suất.
Đặc biệt, Nhà máy sản xuất phân bón Đức Giang – Đắk Nông chính thức đi vào hoạt động kể từ tháng 8/2023. Nhà máy có công suất thiết kế 200.000 tấn NPK và 4.800 tấn Kali Sunfat/năm.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, nhà máy đã thực hiện được khoảng 2.648 tấn sản phẩm. Nhờ vậy, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh tăng cao so với cùng kỳ như: gạch xây dựng bằng đất sét nung tăng 45,3%; ván ép từ gỗ và các vật liệu tương tự tăng 23,1%; tinh bột sắn tăng 75,2%, đậu phộng, đậu nành sấy tăng 53,1%; điện thương phẩm tăng 13%; nước máy tăng 9,7%; đá xẻ ốp lát tăng 27,2%; alumin tăng 8,1%…
Hy vọng, với những nỗ lực của các doanh nghiệp, cũng như sự hỗ trợ tích cực của ngành chức năng, đến cuối năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp của Đắk Nông sẽ đạt được những mục tiêu đề ra.
Nguồn: https://baodaknong.vn/doanh-nghiep-dak-nong-tang-toc-cuoi-nam-232773.html