Mở rộng mạng lưới
Hộ kinh doanh Trần Văn Hồi (Đắk Song) hiện đang tích cực mở rộng “chân rết” bán hàng tại các tỉnh, thành.
Chủ hộ kinh doanh Trần Văn Hồi cho hay, hiện sản phẩm đã thiết lập được hệ thống đại lý bán lẻ tại 10 tỉnh, thành phố trong cả nước. Toàn bộ hệ thống này được hoạt động theo một chuỗi.
Ngoài ra, anh Hồi còn phát triển được mạng lưới cộng tác viên rộng khắp. Khi có khách hàng, từ thông tin của đại lý, cơ sở sẽ trực tiếp phân phối sản phẩm đi.
“Để các đại lý, cộng tác viên hoạt động hiệu quả, cơ sở đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể như: đổi trả hàng hư hỏng, khuyến mãi, chiết khấu cho các đối tác…”, anh Hồi thông tin.
Hiện cơ sở đang cung ứng ra thị trường 7 loại sản phẩm khác nhau như: nước đông trùng nha đam, trà thảo mộc, nấm khô đông trùng hạ thảo, nấm tươi, bột đắp mặt đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo ngâm mật ong. Trong đó, nấm khô và trà thảo mộc đang được khách hàng sử dụng nhiều nhất.
Cơ sở hiện có 2 sản phẩm được công nhận OCOP, đó là đông trùng hạ thảo ngâm mật ong và nấm khô. Năm nay, cơ sở sẽ tham gia đánh giá OCOP cho 2 sản phẩm mới là nước đông trùng hạ thảo nha đam và trà thảo mộc.
Trong năm tới, đơn vị sẽ sản xuất thêm dòng sản phẩm trà túi lọc. Đồng thời, mở rộng quy mô nuôi nấm, mua sắm thêm máy đóng gói, máy đóng chai, máy khử rượu đông trùng… Cơ sở đang tiến tới làm nhà xưởng đạt chuẩn HAPSAT, để khách hàng yên tâm, tin tưởng hơn khi sử dụng sản phẩm.
Tương tự, Công ty TNHH Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Minh Phong (Đắk Song) cũng đang phát triển mạnh kênh bán hàng cho các sản phẩm mắc ca, ca cao, xoài sấy, ngũ cốc…
Thông qua việc tham gia trực tiếp tại các hội chợ, triển lãm, hoạt động kết nối cung- cầu, doanh nghiệp đã khảo sát và nắm bắt rõ thị hiếu của khách hàng. Từ đó, công ty có chiến lược xây dựng đội ngũ phân phối phù hợp cho từng phân khúc sản phẩm.
Nâng cao kỹ năng bán hàng
Những năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp Đắk Nông đã tập trung phát triển mô hình kinh doanh bán hàng đa kênh, vừa kết hợp kênh truyền thống với các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội.
Đặc biệt, với sự nhanh nhạy, tiện lợi của các sàn thương mại điện tử như tiki, shopee, lazada… cùng trang mạng xã hội facebook, tiktok, zalo… thì việc bán hàng ngày nay đã thuận lợi hơn.
Điều này giúp gia tăng sự hiện diện thương hiệu của từng doanh nghiệp trên thị trường. Thu về tệp lớn khách hàng tiềm năng, tạo ra doanh thu cao hơn trước.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, xuất nhập khẩu mắc ca sachi Thịnh Phát cho biết, giai đoạn này công ty đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm trên hệ thống các kênh bán hàng.
Từ gặp gỡ trực tiếp, chào hàng tận tay đối tác đến thương mại điện tử và các chương trình kết nối giao thương… đều được công ty triển khai một cách bài bản, quy mô.
Các doanh nghiệp đã làm việc với đối tác vận chuyển nhằm tạo thuận lợi nhất cho việc cung ứng sản phẩm tới khách hàng, đại lý một cách nhanh nhất.
Ông Võ Văn Khanh, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho hay, cùng với việc ra mắt những sản phẩm mới, việc xây dựng lại hệ thống đại lý, bán hàng đa kênh đang là điều hết sức cấp bách của doanh nghiệp Đắk Nông hiện nay. Đặc biệt là vai trò quan trọng của thương mại điện tử.
Để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phương thức bán hàng livestream, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng thị trường, đơn vị đang cùng ngành Công thương Đắk Nông tổ chức chương trình tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số. Qua đó, hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương nâng cao kỹ năng bán hàng trực tuyến.
Ngành Công thương cũng tăng cường triển khai các phương thức xúc tiến thương mại mới trên môi trường số. Trong đó, hướng tới hỗ trợ đào tạo, tập huấn các doanh nghiệp, hợp tác xã trong bán hàng thông qua sàn thương mại điện tử, bán hàng livestream…
Nguồn: https://baodaknong.vn/doanh-nghiep-dak-nong-nang-ky-nang-tang-mang-luoi-ban-hang-233941.html