Nâng cao năng suất
Trước đây, Công ty TNHH MTV Nhôm kính cơ khí Minh Duy, TP. Gia Nghĩa chủ yếu sản xuất các mặt hàng cửa nhôm, cửa nhựa bằng máy đơn giản và thao tác thủ công.
Điều này khiến năng suất lao động thấp. Trong khi, giá thành sản phẩm tăng cao nên rất khó cạnh tranh trên thị trường. Doanh nghiệp không đủ tự tin khi đối tác đặt những lô hàng có giá trị lớn.
Mới đây, công ty này được nguồn quỹ khuyến công địa phương hỗ trợ 300 triệu đồng để đầu tư 3 thiết bị, máy mới, hiện đại gồm: máy ép góc kỹ thuật; máy cắt nhôm 2 đầu; máy khoan.
Máy mới phục vụ sản xuất các sản phẩm chủ yếu cho doanh nghiệp như: cửa nhôm xingfa, cánh tủ bếp, cửa công trình xây dựng… Sản phẩm của công ty đang được cung cấp cho đối tác ở các thị trường: Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng.
Từ khi có hệ thống máy hiện đại, năng suất sản xuất tại doanh nghiệp tăng cao. Chi phí nhân công giảm nên giá thành sản xuất hạ xuống rất nhiều so với trước. Chất lượng, mẫu mã tăng lên. Doanh nghiệp từng bước khẳng định được thương hiệu, nhận các đơn hàng có giá trị lớn.
“Giờ doanh nghiệp chỉ cần 1-2 kỹ thuật là có thể điều hành tốt công việc. Thiết bị mới giúp công ty nâng công suất sản xuất lên gấp 2,3 lần so với trước. Sản phẩm được tạo ra có độ sắc nét, chính xác cao hơn”, Giám đốc công ty Đoàn Minh Duy cho hay.
Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Đất Việt Window, TP. Gia Nghĩa được hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công quốc gia. Doanh nghiệp đã đầu tư mua sắm các máy, thiết bị mới như: máy ép góc cửa nhôm, 1 máy dập khóa xingfa 22 dao.
Nhờ đó, tạo cơ sở ban đầu cho doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm cửa các loại đạt chất lượng, chuẩn về mẫu mã. Nguồn vốn hỗ trợ này đã giúp doanh nghiệp đạt công suất sản xuất lên 200 góc cửa/giờ và 160 ổ khóa/giờ.
Hoạt động này giúp sản phẩm của doanh nghiệp đạt chất lượng tốt, giảm chi phí đầu vào, có được giá thành tốt nhất trước khi đưa ra thị trường…
Hệ thống máy hiện đại còn giúp bảo đảm an toàn lao động, giảm thiểu phế phẩm trong sản xuất, tạo thêm việc làm ổn định cho lao động địa phương.
Động lực bứt phá
Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Đắk Nông, doanh nghiệp cơ khí là một trong những nhóm ngành được quan tâm hỗ trợ khuyến công trong thời gian qua.
Thông qua chương trình khuyến công đã khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư máy hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Từ đó, doanh nghiệp xây dựng quy trình sản xuất hiệu quả, tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào. Các sản phẩm cơ khí được tạo ra chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng.
Không dừng lại ở hỗ trợ máy móc, hoạt động khuyến công còn tạo động lực đổi mới sáng tạo, bứt phá phát triển cho doanh nghiệp cơ khí địa phương. Các doanh nghiệp sản xuất đã tích cực khai thác tối đa các thế mạnh để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Đắk Nông Hoàng Quốc Phú thông tin, thời gian tới, nguồn vốn khuyến công sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ ứng dụng máy, thiết bị.
Khuyến công hỗ trợ công nghệ tiên tiến vào sản xuất cho các doanh nghiệp cơ khí nông thôn. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động cho các cơ sở công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Từ nay đến năm 2030, Đắk Nông tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực, sản phẩm xuất khẩu của tỉnh, trong đó, có cơ khí chế tạo, cơ khí tiêu dùng. Với đòn bẩy từ hoạt động khuyến công, các doanh nghiệp cơ khí vừa và nhỏ sẽ có cơ hội bứt phá phát triển, tham gia vào các chuỗi cung ứng.
Đắk Nông phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 23%. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt khoảng 20%.
Nguồn: https://baodaknong.vn/doanh-nghiep-co-khi-dak-nong-gia-tang-cong-nghe-235105.html