Cùng với việc đối phó giá cước vận chuyển tăng vọt, Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân (TP. Gia Nghĩa) cũng đang “căng mình” với các chi phí khác để duy trì sản xuất.
Giám đốc công ty Lầu Kiều Vân chia sẻ, hiện tại, có những đơn hàng, đơn vị phải chấp nhận thua lỗ, không lợi nhuận. Mặc dù, thời điểm này đang là mùa thu hoạch nông sản, nhưng giá tất cả nguyên liệu đầu vào đều tăng cao, gấp đôi so với trước.
“Có những sản phẩm ở Đắk Nông không có, nên buộc phải nhập về, khiến tăng thêm chi phí vận chuyển nguyên liệu đầu vào. Trong khi đó, chi phí vận chuyển của đầu ra sản phẩm cũng chạy đua không kém”, bà Vân thông tin.
Ngoài ra, chi phí bao bì đóng gói cũng tăng mạnh trong giai đoạn này. Chi phí cho nhân công cũng tăng theo, do mỗi năm, đơn vị đều có chế độ tăng lương, bảo đảm thu nhập cho người lao động…
Theo bà Vân, các đơn hàng xuất khẩu luôn có giá ổn định. Thông thường, doanh nghiệp báo một giá là sẽ chốt cho 6 tháng hoặc cả năm. Giá nguyên liệu sản xuất tăng cao, doanh nghiệp đang lo không đủ số lượng để hoàn thành hợp đồng, đành phải chấp nhận tăng giá thu mua nguyên liệu theo thị trường.
Công ty TNHH Hồng Đức, huyện Đắk R’lấp đang chật vật với vấn đề nguyên liệu và thị trường cho sản phẩm điều nhân. Dự kiến, nguyên liệu điều nhân phục vụ sản xuất của doanh nghiệp năm nay giảm 40% so với mọi năm.
Năm nay, thị trường Trung Đông của doanh nghiệp tăng khá mạnh, nhưng nguyên liệu để đi đơn hàng lại thiếu. Thị trường này chủ yếu chuộng những sản phẩm hạt điều loại nhỏ. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu này hiện ở trong nước rất ít và đã hết mùa, do người dân chặt bỏ để chuyển sang trồng hạt lớn, năng suất hơn.
Do đó, doanh nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập. Song, nguyên liệu nhập từ Campuchia về cũng giảm mạnh. Nguồn từ châu Phi về cũng không nhiều, do ảnh hưởng của lũ lụt nên sản lượng đạt khá thấp.
Theo Giám đốc công ty Nguyễn Thị Minh Nguyệt, sự biến động của nguồn nguyên liệu và giá hạt điều thô đang tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2024.
Đây cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa thể ký hợp đồng xuất khẩu với đối tác trong những tháng còn lại, do chưa xác định được giá nguyên liệu cụ thể và sản lượng hạt điều nguyên liệu nhập khẩu.
“Áp lực cạnh tranh trong ngành này ngày càng lớn, vì các doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí nguyên liệu đầu vào cao hơn. Đồng thời, phải bảo đảm giá bán vẫn cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều”, bà Nguyệt cho hay.
Theo Sở Công thương, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,11% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 2,44%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,54%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 5,43%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,69%.
Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng một số sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến của Đắk Nông đang giảm mạnh như: cà phê nhân, điều, đậu phộng, đậu nành sấy, mủ cao su…
Qua khảo sát các doanh nghiệp thuộc ngành chế biến chế tạo cho thấy, dự kiến trong quý III/2024, Đắk Nông có 27,27% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sản xuất, kinh doanh sẽ tốt hơn; có 54,55% doanh nghiệp cho rằng ổn định và có 18,18% dự báo khó khăn hơn.
Các chi phí tăng cao, khiến giá thành sản phẩm đẩy lên liên tục. Sức cạnh tranh cho nông sản địa phương tại thị trường trong nước và xuất khẩu ngày càng gay gắt hơn. Điều này đang tạo ra những gánh nặng lớn cho doanh nghiệp chế biến của Đắk Nông.
Nguồn: https://baodaknong.vn/doanh-nghiep-che-bien-dak-nong-cang-minh-voi-chi-phi-dau-vao-223244.html