Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), tổng diện tích sầu riêng cả nước tăng từ 32.000ha năm 2015 lên hơn 150.000ha năm 2023, tương ứng với sản lượng sầu riêng tăng từ 366.000 tấn lên hơn 1,2 triệu tấn.
Tăng quá nóng
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 3/5, ông Nguyễn Quốc Mạnh, phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết hiện nay diện tích trồng sầu riêng đã vượt gấp đôi so với định hướng phát triển sầu riêng trong đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030 (khoảng 65.000 – 75.000ha, sản lượng 830.000 – 950.000 tấn).
“Cùng với việc tăng trưởng nhanh về diện tích trồng, dự kiến trong các năm tới diện tích thu hoạch và sản lượng sầu riêng tiếp tục tăng nhanh bởi hiện nay mới chỉ có 76.000ha sầu riêng cho thu hoạch mà sản lượng đã đạt gần 1,2 triệu tấn.
Trong ngắn hạn, chúng tôi thống nhất với nhận định của nhiều chuyên gia rằng thị trường tiêu thụ sầu riêng vẫn còn tiềm năng, song về cơ bản khi nguồn cung tăng thì giá cả sẽ giảm.
Đặc biệt khi thị trường có biến động, địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất mà không chú trọng xây dựng thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch, sản xuất theo yêu cầu thị trường thì có nguy cơ đi vào vết xe đổ “được mùa mất giá” giống như một số trái cây khác”, ông Mạnh nhấn mạnh.
Nhiều rủi ro
Với việc phát triển quá nóng diện tích sầu riêng thời gian qua đang ẩn chứa rất nhiều rủi ro mà trong quá khứ đã xảy ra với nhiều loại nông sản của Việt Nam. Có thể kể đến những làn sóng phá rừng, phá điều để trồng cao su, rồi phá cao su, phá điều, cà phê để trồng hồ tiêu; phong trào ào ạt trồng thanh long, dưa hấu không theo quy hoạch, không gắn với thị trường tiêu thụ đã để lại nhiều hậu quả to lớn.
Theo Hiệp hội Trái cây Việt Nam, không chỉ Việt Nam tăng diện tích trồng sầu riêng, nhiều quốc gia Đông Nam á khác cũng chạy đua tăng diện tích loại cây trồng này để bán cho thị trường Trung Quốc. Ngay tại Trung Quốc cũng đã phát triển hàng ngàn héc ta loại cây này để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rất lớn của người dân.
Tuy nhiên, nhu cầu sẽ chỉ đến một mức độ nào đó, trong khi mỗi cây sầu riêng phải mất 6-7 năm mới cho thu hoạch. Đến khi lượng cây trồng mới của Việt Nam và các nước cho thu hoạch đồng loạt, sản lượng tăng đột biến thì nguy cơ sụt giá sẽ xảy ra như một số loại cây trồng khác là khó tránh khỏi.
Chưa kể, do giá sầu riêng tăng cao trong hai năm qua, nhiều nông dân đã bất chấp điều kiện đất đai, nguồn nước để phá bỏ các loại cây trồng khác chuyển qua trồng sầu riêng. Hạn hán, xâm nhập mặn thời gian qua khốc liệt ở Tây Nguyên và ĐBSCL là một cảnh báo rất nhãn tiền về việc nhiều vùng trồng sầu riêng không hợp thổ nhưỡng hoặc không đủ điều kiện sẽ dẫn tới năng suất, chất lượng kém hoặc không hiệu quả.
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cho hay phát triển ồ ạt đi kèm với chất lượng khó kiểm soát. Không chỉ là giống cây mà còn là quy trình chăm sóc, vật tư nông nghiệp. Thực tế đã xảy ra những vụ tranh mua tranh bán, mua bán mã số vùng trồng sầu riêng, và đã có vụ sầu riêng bị cảnh báo về chất lượng.
Nhiều nước cùng trồng sầu riêng, sản lượng trong nước tăng chóng mặt qua từng năm, muốn giữ được thị trường, giữ được giá lâu dài quan trọng nhất là chất lượng. Nhưng với tình hình hiện nay thì rất khó.
Lời giải nào cho bài toán sầu riêng?
Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, định hướng chung của Bộ NN&PTNT là không mở rộng diện tích, đặc biệt là tại các vùng có điều kiện khí hậu, đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp. Hiện Cục Trồng trọt đang chủ trì, phối hợp các địa phương, đơn vị tập trung đôn đốc, hướng dẫn các địa phương rà soát diện tích sầu riêng trên địa bàn.
“Chúng tôi khuyến cáo các địa phương cần xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất cây sầu riêng theo vùng tập trung gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến với quy mô phù hợp.
Đồng thời tăng cường hướng dẫn nông dân thực hiện rải vụ thu hoạch sầu riêng linh hoạt, hiệu quả theo tín hiệu thị trường. Phổ biến áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong vùng sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời chú trọng phổ biến thực hiện tốt quy trình kỹ thuật cắt tỉa hoa, quả và thu hoạch sầu riêng mà Cục Trồng trọt đã ban hành, giảm thiểu hiện tượng thu hái quả non”, ông Mạnh nói.
Đối với nông dân, ông Mạnh khuyến cáo nông dân không tự mở rộng diện tích tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp. Vùng không có điều kiện đầu tư thâm canh, vùng chưa có đê bao khép kín hoặc đê bao không đảm bảo gây ngập lụt trong mùa mưa và xâm nhập mặn trong mùa khô tại khu vực ĐBSCL.
Cũng theo ông Mạnh, chất lượng trái sầu riêng có vai trò quan trọng trong việc giữ vững và phát triển mở rộng thị trường, thị phần tiêu thụ. Tuy nhiên trong thời gian qua, có hiện tượng thu hoạch non (thu hoạch một dao), quả chưa đủ độ chín, gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng và uy tín của sầu riêng nước ta.
Do vậy, Cục Trồng trọt đã ban hành quy trình kỹ thuật cắt tỉa hoa, quả và thu hoạch sầu riêng, gồm các hướng dẫn cụ thể từ thụ phấn bổ sung, tỉa hoa, tỉa quả, cách khắc phục hiện tượng sượng cơm, cháy múi cho đến khi thu hoạch, phân loại, bảo quản. “Cục Trồng trọt đã chuyển quy trình này đến các địa phương và hệ thống khuyến nông quốc gia để đề nghị các địa phương, đơn vị, nhà vườn quan tâm phổ biến, áp dụng góp phần đảm bảo năng suất, mẫu mã, chất lượng, từng bước nâng cao vị thế thương hiệu sầu riêng Việt Nam”.
Những việc cần làm để ổn định diện tích sầu riêng
Cục Bảo vệ thực vật cho biết việc ký kết nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tạo cơ hội để tổ chức phát triển ngành hàng sầu riêng Việt Nam theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn và bền vững.
Để sầu riêng không đi vào vết xe đổ của các nông sản khác “được mùa mất giá” hay phải “giải cứu sầu riêng”, đòi hỏi một chiến lược phát triển ngành hàng sầu riêng dài hạn cùng các giải pháp tháo gỡ kịp thời nhằm đưa ngành sầu riêng phát triển bền vững.
Cần xây dựng hệ thống văn bản pháp luật quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và quy định về xử lý vi phạm về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để quản lý tốt các vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói nhằm kiểm soát chất lượng nông sản xuất khẩu ngay từ khâu đầu vào, canh tác. Phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, gian lận trong sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu.