Giá vàng đảo chiều tăng cao lên ngưỡng gần 74 triệu đồng/lượng
Giá vàng hôm nay 14/12 ở trong nước đảo chiều lên ngưỡng gần 74 triệu đồng/lượng. Hiện tại, giá vàng miếng thương hiệu SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng niêm yết ở mức 72,8 triệu đồng/lượng mua vào và 73,82 triệu đồng/lượng bán ra. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tăng 200.000 đồng ở cả 2 chiều.
Giá vàng hôm nay đảo chiều tăng cao |
Trong khi đó, tại Bảo Tín Minh Châu vàng SJC điều chỉnh tăng 250.000 đồng ở cả 2 chiều lên lần lượt 73,35 triệu đồng/lượng mua vào và 74,20 triệu đồng/lượng bán ra; vàng nhẫn giao dịch quanh mức 60,88 triệu đồng/lượng mua vào và 61,98 triệu đồng/lượng bán ra.
Trên thế giới, vàng giao ngay tăng 44,4 USD lên 2.023,9 USD/ounce; vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.039,6 USD/ounce, tăng 46,4 USD so với rạng sáng qua.
Tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 6,5%/năm
Tăng năng suất lao động đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, rút ngắn khoảng cách với các quốc gia trong khu vực. Từ nay đến năm 2030, mục tiêu của Việt Nam là đưa năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm.
Việt Nam hiện có tốc độ tăng năng suất lao động cao hơn mức trung bình trong khối ASEAN và đang phấn đấu thuộc 3 nước đứng đầu khu vực đến năm 2030.
Để làm được điều này, bên cạnh việc đổi mới công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp, việc hoàn thiện cơ chế chính sách, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy năng suất cũng đóng vai trò quan trọng.
Siêu thị chạy đua mùa cuối năm
Các chuyên gia kinh tế dự đoán, tình hình tài chính kinh tế những tháng cuối năm và dịp Tết 2024 có vẻ lạc quan hơn, tuy nhiên dấu hiệu của việc nới lỏng chi tiêu chưa thật sự rõ rệt.
Dự kiến từ nay đến cuối năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có thể tăng trở lại khi kinh tế trong nước đang dần hồi phục, nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng như chương trình khuyến mại tập trung quốc gia, tháng khuyến mại tại nhiều địa phương, hội chợ hàng hóa Tết…
Bên cạnh đó, nhà bán lẻ và doanh nghiệp phân phối đang nỗ lực đảm bảo nguồn cung ổn định, không để xảy ra gián đoạn trong cung cấp hàng hóa cũng như đột biến về giá cả cho người tiêu dùng; đồng thời lên kế hoạch triển khai các chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm.
Lạng Sơn tập trung phát triển na trái vụ
Với tổng diện tích gần 4.000 ha, cây na đã trở thành “biểu tượng” nông sản tỉnh Lạng Sơn với giá trị kinh tế hàng năm đạt từ 1.300 – 1.500 tỷ đồng.
Những năm gần đây, nhờ tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, quả na gối vụ tại địa phương này đã mang lại năng suất cao, nguồn thu đáng kể cho người dân.
Trước đây, theo cách trồng truyền thống, na chỉ cho thu hoạch một vụ/năm. Từ khi người dân tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là phương pháp “thụ phấn chủ động” cây na có thể cho thu hoạch 2 vụ/năm.
Thời điểm thu hoạch na chính vụ từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, còn na gối vụ cho thu hoạch từ cuối tháng 10 đến hết tháng 12. Quả na gối vụ có đặc điểm là mọc ra từ thân cây, được hấp thụ nhiều dưỡng chất nên có giá trị dinh dưỡng cao, thơm mùi đặc trưng nên dễ tiêu thụ và được giá cao.
Tăng cường thanh kiểm tra hoạt động từ thiện
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác kiểm tra việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Qua phản ánh, kiến nghị của cử tri và nhân dân, tại một số địa phương vẫn còn tình trạng xuất hiện tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động nhân đạo, từ thiện để trục lợi, gây lo lắng, bất an trong dư luận xã hội và ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Hơn 240.000 tỷ đồng cam kết đầu tư vào Hậu Giang
Hậu Giang vừa trao 30 ghi nhớ, quyết định chủ trương đầu tư 22 dự án, tổng vốn 241.000 tỷ đồng. Trong số này, có biên bản ghi nhớ trên lĩnh vực hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch với tổng mức đầu tư 6,2 tỷ USD; điện gió – điện mặt trời – đô thị 30.000 tỷ đồng; hạ tầng công nghiệp 19.000 tỷ đồng; chuyển đổi số, giáo dục và đô thị khoảng 10.000 tỷ đồng; nông nghiệp – đô thị – du lịch 10.000 tỷ đồng…
Thanh Tâm