Bộ Tài chính đề xuất kéo dài chính sách áp dụng mức thu lệ phí trước bạ 0% đối với xe ô tô điện chạy pin kể từ ngày 01/3/2025 đến ngày 28/02/2027, tức là tăng thêm 2 năm miễn lệ phí trước bạ cho ô tô điện chạy pin so với Nghị định 10/2022/NĐ-CP.
Bộ Tài chính vừa có công văn số 1790/BTC-CST xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan về việc xin ý kiến về dự án Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/2022/NĐ-CP về lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô điện chạy pin.
Bộ Tài Chính cho biết, theo Dữ liệu từ Tổ chức Các nhà sản xuất ô tô quốc tế (OICA), hiện nay tỷ lệ sở hữu ô tô điện chạy pin ở Việt Nam vẫn thuộc hạng thấp và xếp sau nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia, trong khi nhu cầu sử dụng ô tô của người dân còn cao. Việc áp dụng mức thu LPTB 0% đối với xe ô tô điện chạy pin (thay vì 10% – 12% như đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng chỗ ngồi) góp phần trực tiếp giảm chi phí khi đăng ký sở hữu xe ô tô, tăng khả năng tiếp cận sản phẩm ô tô của người tiêu dùng và kích thích người tiêu dùng sử dụng loại phương tiện này.
Theo Bộ Tài chính, qua 03 năm áp dụng chính sách miễn LPTB theo Nghị định số 10/2022/NĐ-CP, số lượng xe ô tô điện chạy pin đã tăng lên đáng kể qua từng năm. Cụ thể, từ 01/3/2022 – 31/12/2022, số lượng xe ô tô điện chạy pin đăng ký LPTB lần đầu là 4.040 xe, bình quân 404 xe/tháng. Sang năm 2023, số lượng xe ô tô điện chạy pin đăng ký LPTB lần đầu là 29.281 xe, bình quân 2.440 xe/tháng, tăng gấp 6,04 lần so với năm 2022. Đến năm 2024, số lượng xe ô tô điện chạy pin đăng ký LPTB lần đầu là 79.781 xe, bình quân 6.648 xe/tháng, tăng gấp 2,72 lần so với năm 2023.
Như vậy, sau 03 năm, xe ô tô điện chạy pin đã dần khẳng định được vị trí vững chắc trên thị trường ô tô Việt Nam, từ đó hỗ trợ các nhà phân phối đẩy mạnh tiêu thụ dòng xe thân thiện với môi trường và góp phần giúp doanh nghiệp yên tâm tiếp tục đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô điện chạy pin.
Đánh giá về việc giảm thu ngân sách kể từ khi Nghị định số 10/2022/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 01/3/2022) đến ngày 31/12/2024, Bộ Tài chính cho biết, số giảm thu NSNN do thực hiện mức thu LPTB 0% đối với xe ô tô điện chạy pin khoảng 8.419,4 tỷ đồng, trong đó, năm 2022, số giảm thu NSNN từ chính sách ưu đãi xe ô tô điện chạy pin là 381,7 tỷ đồng, bằng 1,18% số thu LPTB ô tô (381,7/32,4 tỷ đồng); Năm 2023, số giảm thu NSNN từ chính sách ưu đãi xe ô tô điện chạy pin là 3.216,7 tỷ đồng bằng 13,33% số thu LPTB ô tô (3.216,7/24.130 tỷ đồng); Năm 2024, số giảm thu NSNN từ chính sách ưu đãi xe ô tô điện chạy pin là 4.821 tỷ đồng, bằng 17,34% số thu LPTB ô tô (4.821/27.805 tỷ đồng).
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, phát triển xe điện đóng góp đáng kể vào việc giảm phát thải khí nhà kính. Theo tính toán sơ bộ, số lượng xe điện ở Việt Nam hiện nay đã đóng góp tới 0,5 triệu tấn CO2 tương đương/năm và có tiềm năng đóng góp lớn hơn nữa trong các năm tới khi dự báo lượng xe điện sẽ tăng tới 25- 30%/năm.
Bên cạnh đó, xe ô tô điện chạy pin vận hành rất êm, hầu như không tạo ra tiếng ồn. Trong khi xe động cơ đốt trong thường phát ra tiếng động cơ lớn, gây ảnh hưởng đến môi trường sống, xe ô tô điện chạy pin lại mang đến không gian yên tĩnh hơn cho các khu vực đô thị.
Như vậy, so với ô tô truyền thống, loại xe ô tô điện chạy pin có ưu điểm vượt trội là không sử dụng nhiên liệu xăng, khí (nhiên liệu hóa thạch), không chỉ giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt mà còn góp phần làm giảm lượng khí thải phát tán ra môi trường của phương tiện giao thông, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, hướng tới phát triển xanh, bền vững.
Trong những năm gần đây, ô nhiễm không khí đã trở thành vấn đề nóng và nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng. Ở Việt Nam, đặc biệt là 02 khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc (xung quanh Thành phố Hà Nội) và phía Nam (xung quanh Thành phố Hồ Chí Minh), ô nhiễm không khí tiếp tục gia tăng với tốc độ đáng báo động và ngày càng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của con người. Chất lượng môi trường không khí quốc gia nói chung và tại các đô thị lớn nói riêng chịu tác động do phát sinh bụi, khí thải từ các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, phương tiện giao thông vận tải,… Trong đó, khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị. Việc gia tăng nhanh chóng số lượng xe ô tô sử dụng nhiên liệu gốc hóa thạch trong những năm gần đây là tác nhân lớn gây ra ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng.
Theo hệ thống quan trắc không khí IQAir, trong thời gian gần đây, các thành phố lớn tại Việt Nam liên tiếp đứng trong số những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, với chỉ số chất lượng không khí AQI đạt mức trên 250, thuộc mức “rất không tốt cho sức khỏe” .
Kết quả theo dõi diễn biến chất lượng không khí do Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương thực hiện trong nhiều năm gần đây, ô nhiễm không khí, mà cụ thể là ô nhiễm do bụi mịn PM 2.5, mức độ ô nhiễm có dấu hiệu ngày càng nghiêm trọng hơn . Ô nhiễm không khí không chỉ gây ra các bệnh nguy hại cho con người mà còn gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho môi trường như: biến đổi khí hậu, tăng nhiệt độ toàn cầu, băng tan ở Bắc Cực và Nam Cực,…
Để cải thiện chất lượng không khí do phương tiện giao thông gây ra, Chính phủ đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó giải pháp chuyển đổi từ xe ô tô chạy xăng, dầu sang xe ô tô điện chạy pin để giảm phát thải từ các phương tiện giao thông, góp phần bảo vệ môi trường là một xu hướng đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, trong đó có các giải pháp về thuế, phí và lệ phí. Do đó, hiện nay các quốc gia trên thế giới hiện đang có xu hướng hạn chế hoặc loại bỏ dần các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, đồng thời khuyến khích các phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch.
Tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân của người dân rất cao. Số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh dẫn tới hệ lụy lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường lớn. Vì vậy, việc phát triển xe ô tô điện chạy pin sẽ rất phù hợp, nhất là tại các thành phố lớn, dân cư đông đúc.
Thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 07/02/2025 của Chính phủ, công văn số 1159/VPCP ngày 14/02/2025 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng dự án Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất kéo dài chính sách áp dụng mức thu LPTB 0% đối với xe ô tô điện chạy pin kể từ ngày 01/3/2025 đến ngày 28/02/2027, tức là tăng thêm 2 năm miễn LPTB cho ô tô điện chạy pin so với Nghị định 10/2022/NĐ-CP.
Theo Bộ Tài chính, chính sách này sẽ làm giảm thu Ngân sách nhà nước về LPTB khoảng hơn 4.800 tỷ đồng/năm (giảm thêm 2.400 tỷ đồng/năm so với quy định hiện hành tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP).
Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhận định, việc tiếp tục áp dụng mức thu LPTB 0% đối với xe ô tô điện chạy pin góp phần phát triển thị trường, ngành công nghiệp ô tô điện và các ngành công nghiệp phụ trợ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, có tác động lan tỏa sang các ngành kinh tế khác và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nguồn: https://baodaknong.vn/de-xuat-tiep-tuc-mien-giam-le-phi-truoc-ba-doi-voi-o-to-dien-chay-pin-243042.html