Chủ động nguồn lao động thu hoạch cà phê
Đắk Nông đang vào thời kỳ cao điểm thu hoạch cà phê. Vụ mùa này, Đắk Nông có hơn 131.000ha cà phê cho thu hoạch, sản lượng khoảng 350.000 tấn.
Để giúp nông dân thu hoạch cà phê kịp mùa vụ, cách đây khoảng 2 tháng, Sở LĐ-TB-XH Đắk Nông đã tiến hành rà soát nguồn lao động phục vụ thu hái cà phê.
Sở LĐ-TB-XH dự kiến vụ thu hoạch cà phê này, Đắk Nông cần khoảng 257.000 lao động. Nguồn lao động tại chỗ của tỉnh ước chỉ đáp ứng khoảng 50%, số còn lại phải thuê mướn từ các địa phương khác.
Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đắk Nông chia sẻ: Đắk Nông có diện tích cà phê lớn của Tây Nguyên nên hàng năm đến mùa thu hoạch cần nguồn lao động rất lớn. Hàng năm, đến mùa thu hoạch cà phê, nhiều gia đình thiếu người thu hái, phơi, chế biến.
Chúng tôi rà soát lao động mà tỉnh cần trong mùa vụ này để người dân nắm bắt tình hình, có sự chuẩn bị cho việc thuê nhân công. Sự chủ động về nguồn lao động của mỗi hộ gia đình, HTX, công ty sẽ góp phần thu hái, phơi, chế biến cà phê kịp thời.
Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đắk Nông
Bà Nguyễn Thị Toản, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thịnh Phát, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong cho biết, thông tin của Sở LĐ-TB-XH Đắk Nông đã giúp HTX xây dựng kế hoạch thu hoạch cà phê kỹ lưỡng.
HTX hiện có trên 200 thành viên trồng gần 600ha cà phê. Nếu thời tiết thuận lợi, trung bình mỗi ha cà phê cần khoảng 10 lao động thu hái trong khoảng 10 ngày, chưa kể công phơi và chế biến. Trừ lao động của các gia đình, HTX cần khoảng 200 lao động hái cà phê cho vụ mùa này.
Bà Toản chia sẻ, mấy năm nay ở địa phương rất khát nhân công hái cà phê. Bởi đa số người trẻ đi làm công nhân. Trước tình hình này, năm nay HTX đã thông tin đến các hộ dân tính toán để chủ động nhân công thu hoạch.
HTX liên hệ với các nhóm nhân công ở phía Bắc, miền Tây… những năm trước từng hái cà phê nay họ trở lại. Nguồn nhân công này có kinh nghiệm hái nên năng suất làm việc cao và tránh bị hỏng cành.
“Cà phê nếu để chín quá sẽ giảm chất lượng. Chúng tôi cũng tính toán có thể đổi công cho nhau để hái cho kịp, tránh lãng phí nhân công mà lại bảo đảm chất lượng cà phê”, bà Toản chia sẻ.
Thu hoạch cà phê đúng kỹ thuật
Ngay từ đầu tháng 10/2024, Sở NN – PTNT Đắk Nông đã ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025.
Ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT Đắk Nông cho biết, đa số nông dân trồng cà phê và đây là nguồn thu nhập chính của họ. Khâu thu hoạch cà phê quyết định hiệu quả kinh tế, thành quả lao động của nông dân sau một năm vất vả.
“Chúng tôi đã hướng dẫn kỹ thuật thu hoạch cà phê kỹ lưỡng và mong muốn bà con áp dụng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bán được giá”, ông Đông chia sẻ.
Cũng theo ông Đông, Sở NN – PTNT đã đề nghị các đơn vị, địa phương tổ chức đồng bộ các giải pháp hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thu hoạch cà phê bảo đảm chất lượng, đạt hiệu quả cao nhất.
Trong đó, cần phải tuyên truyền, hướng dẫn để nông dân, HTX, tổ hợp tác, công ty… sản xuất cà phê biết kỹ thuật thu hoạch, sơ chế, bảo quản tốt nhất.
Chị Trương Thị Hạnh, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa có hơn 3 sào cà phê. Chị Hạnh cho biết, năm nay, ngay từ đầu vụ giá cà phê đã tăng nên chị rất phấn khởi.
Qua các kênh thông tin, chị được biết khi trên vườn có khoảng 20-25% quả chín thì thu hoạch đợt 1 nên cứ cây nào chín là chị hái trước. Đến nay, chị đã hái lựa và phơi khô được 3 tạ cà phê.
“Cơ quan chuyên môn khuyên người dân tập trung thu hái cà phê nhanh gọn khi vườn có tỷ lệ quả chín đạt tiêu chuẩn. Điều này là để tạo điều kiện cho cà phê ra hoa đồng loạt vào vụ sau nên gia đình đang tập trung thu hoạch”, chị Hạnh cho biết.
Công ty Cà phê Bazan Đắk Nông, TP. Gia Nghĩa liên kết với nông dân trồng 100ha cà phê sạch để tạo vùng nguyên liệu phục vụ chế biến cà phê chất lượng cao.
Anh Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty cho biết, công ty đã hướng dẫn các nông hộ hái cà phê khi tỉ lệ quả chín đạt từ 80 – 100% để bảo đảm chất lượng nguyên liệu.
Công ty thu mua cà phê có tỷ lệ quả chín cao với giá cao hơn nên người dân được “lợi ích kép” vì sản lượng cũng tăng từ 10 – 20% so với hái xanh, hái non. Vụ mùa này, giá cà phê cao nên các hộ dân chú trọng áp dụng kỹ thuật hái, phơi trên giàn, nhà lưới phục vụ chế biến cà phê chất lượng cao.
Anh Hoàng cho biết: “Những năm trước công ty đã chuẩn bị sân phơi, giàn phơi, nhà lồng, máy xay, máy rang nên mùa vụ này đáp ứng tốt nhu cầu thu hoạch và sẵn sàng phục vụ chế biến cà phê”.
Sở NN –PTNT Đắk Nông khuyến khích nông dân thu hái cà phê khi quả đúng độ chín để đạt chất lượng tốt nhất. Người dân không hái quả xanh, quả non hoặc để chín quá, khô rụng làm giảm chất lượng sản phẩm. Người dân không hái cả chùm trái lẫn lá và cành nhỏ để bảo đảm chất lượng cành dự trữ cho niên vụ sau.
Tiêu thụ cà phê đúng cách
Năm 2024, thị trường cà phê có những biến động về giá tác động đến tâm lý nông dân trong khâu thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm. Các cơ quan chức năng đã có những định hướng, thông tin về sản lượng cà phê trong nước, trên thế giới để người dân tiêu thụ cà phê phù hợp, tăng hiệu quả kinh tế.
Nhiều nông dân Đắk Nông đã thực hiện phương châm “4 không” để bảo vệ giá trị cà phê, công sức mình làm ra. Đó là, không hái xanh, không hái non, không bán tươi, không ký gửi cà phê.
Theo chị Nguyễn Thị Hoài, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa, chị thường xuyên theo dõi thông tin thị trường và được biết năm nay sản lượng cà phê các tỉnh Tây Nguyên giảm nên không hái non để tăng chất lượng.
Hiện nay, trên thị trường nhiều đại lý, công ty, doanh nghiệp thu mua cà phê tươi với giá cao hơn những năm trước. Thực tế những ngày đầu mùa, nhiều nơi đã thu mua cà phê với giá 26.000 – 27.000 đồng/kg tươi.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm 20 năm làm cà phê, chị không vội bán tươi. Chị hái cà phê chín, phơi khô và lúc nào có công việc cần dùng tới tiền hoặc chờ giá tốt mới bán.
Chị Hạnh chia sẻ: “Những năm qua, nhiều nông dân ký gửi nông sản bị một số đại lý tuyên bố vỡ nợ nên mất trắng. Từ kinh nghiệm này, tôi không ký gửi cà phê nữa”.
Thời gian qua, Hội Nông dân Đắk Nông đẩy mạnh tuyên truyền tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ thuật sơ chế, phơi, sấy, bảo quản cà phê sau khi thu hoạch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Nơi bảo quản cà phê phải khô ráo để tránh tình trạng bị nấm mốc, bị hỏng. Nông dân không bảo quản chung cà phê với vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… để bảo quản chất lượng tốt nhất.
Với 131.000ha cho thu hoạch, Đắk Nông dự kiến niên vụ cà phê 2024 -2025 tổng sản lượng đạt 350.000 tấn. Năng suất cà phê bình quân chung toàn tỉnh ước đạt 2,6 tấn/ha.
Năng suất cà phê của Đắk Nông năm 2024 có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của đợt nắng nóng, thiếu nước tưới kéo dài xảy ra vào những tháng đầu năm 2024.
Đây là thời điểm trùng với giai đoạn cây cà phê ra hoa, đậu quả, làm cho một số vườn cà phê bị héo lá, khô hoa, quả non, gây giảm năng suất, sản lượng.
Tăng cường bảo vệ cà phê cho người dân
Từ đầu mùa vụ, các cơ quan chức năng tăng cường an ninh, bảo vệ mùa màng cho nông dân. Trong đó, Công an Đắk Nông và địa phương đã triển khai nhiều giải pháp.
Đắk Song là một trong những huyện có diện tích cà phê lớn của Đắk Nông. Công an huyện Đắk Song đã tham mưu cho Huyện ủy và UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đồng hành cùng bà con Nhân dân chung tay giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ mùa màng.
Công an tất cả các xã, thị trấn của Đắk Song xã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai kế hoạch bảo vệ mùa thu hoạch nông sản.
Đồng thời, lực lượng công an chủ động rà soát, kịp thời phát hiện các biểu hiện bảo kê, ép giá người dân, thương lái trong việc thu mua cà phê.
Trung tá Lê Thừa Năm, Trưởng Công an xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song cho biết: Công an xã đẩy mạnh tuyên truyền, quản lý tốt địa bàn; quản lý đối tượng và lao động từ các địa phương khác đến làm thuê theo mùa vụ. Công an xã phối hợp với các lực lượng chức năng và 11 tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn để bảo vệ tài sản người dân.
Ngoài ra, Công an xã Thuận Hạnh triển khai đến các chủ cơ sở thu mua nông sản ký cam kết không thu mua cà phê non, cà phê không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Công an xã vận động các chủ cơ sở thu mua nông sản tích cực phát hiện, tố giác các đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến trộm cắp và tiêu thụ cà phê trộm cắp.
Ông Đặng Cao Kháng, Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh trật tự thôn Thuận Bình, xã Thuận Hạnh chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên phối hợp với Công an xã Thuận Hạnh, các lực lượng chức năng đến tận rẫy nương, nhà dân tuyên truyền để mọi người nâng cao ý thức phòng, ngừa tội phạm. Đồng thời, chúng tôi tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn”.
Ông Trần Quốc Cường, xã Thuận Hạnh chia sẻ: “Được tuyên truyền chúng tôi thấy rõ những phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm để cùng nhau đề phòng, giữ gìn an ninh trật tự. Đặc biệt, lực lượng công an, biên phòng và tổ bảo vệ an ninh cơ sở thường xuyên tuần tra, kiểm soát tại rẫy nương nên chúng tôi yên tâm, đợi cà phê chín rộ mới hái để nâng cao chất lượng sản phẩm”.
Cuối năm là thời điểm người lao động tự do tập trung về các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông để hái cà phê. Lực lượng lao động này đã góp phần rất lớn giúp người dân Đắk Nông thu hoạch cà phê kịp thời vụ.
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các đối tượng hình sự, trốn truy nã tại các địa phương khác trà trộn vào dòng người, giả làm người thu hoạch cà phê thuê để thực hiện hành vi phạm tội.
Do đó, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và vai trò nòng cốt của lực lượng công an thì mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác.
Người người, nhà nhà cần chủ động bảo vệ tài sản của mình cũng như tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát hiện, tố giác tội phạm, góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở.
Nguồn: https://baodaknong.vn/de-mua-ca-phe-thom-ngat-doi-cho-235480.html